|
Khẩn trương như làm cách mạng
Bước vào xây dựng NTM, Hà Nội là một trong ba địa phương có số xã lớn nhất cả nước với 386 xã (sau Thanh Hóa và Nghệ An). Địa bàn rộng, phức tạp gồm cả đồng bằng, đồi núi, đồi gò có nhiều thành phần dân tộc sinh sống như đồng bào: Tày, Dao, Thái… Quỹ đất nông nghiệp của Hà Nội chiếm tới 88,3%, dân số làm nông nghiệp chiếm tới 63,1%, lao động ở nông thôn chiếm trên 60%. Bởi vậy, ngay từ đầu, Hà Nội đã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, vừa để phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an ninh của Thủ đô. Xã Thụy Hương (Chương Mỹ) khi đó được Trung ương lựa chọn là 1 trong 11 xã điểm để xây dựng mô hình NTM. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã được cử làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tại Thụy Hương.
Cùng với đó, Thành phố đã ban hành Chương trình 02-Ctr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011 - 2015. Khi Trung ương phát động toàn dân xây dựng NTM, Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức Lễ phát động vào ngày 9.9.2011. Ngay trong Lễ phát động, đã có 19 huyện, thị xã cùng các sở, ngành ký cam kết thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Sau này, từ huyện đến các xã cũng tổ chức lễ phát động phong trào xây dựng NTM và có sự cam kết của từng đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn. Từ TP đến các huyện tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về công tác xây dựng NTM; đồng thời, các huyện, xã ráo riết thực hiện quy hoạch và xây dựng đề án dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, bài bản và khoa học của TP. Đến năm 2012, toàn bộ quy hoạch NTM của các xã đã cơ bản hoàn thành. Từ đó để thấy, ngay từ đầu, phong trào xây dựng NTM ở Hà Nội đã có không khí sôi động, khẩn trương, chẳng khác gì phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” những ngày kháng chiến.
Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP trực tiếp xuống đồng để nắm bắt thực tế xây dựng NTM ở từng địa phương |
Ảnh: Đào Cảnh |
Đột phá trong dồn điền, đổi thửa
Cũng như nhiều địa phương khác, Hà Nội bắt tay xây dựng NTM với những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ được chia “công bằng” theo quan niệm trước đây. Công bằng tức là ai cũng được ruộng sâu, ai cũng có ruộng cạn, ruộng xa, ruộng gần. Chúng tôi đích thân đi điều tra ở 14 huyện, thị xã của Hà Tây từ trước năm 2008, lúc bấy giờ có những hộ có đến vài chục thửa ruộng, hơn nữa, hiện tượng nông dân tự đổi ruộng cho nhau để tiện canh tác diễn ra nhiều. Chương trình Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), cũng bắt nguồn từ nhu cầu thực tế đó.
Từ việc chọn khâu đột phá là DĐĐT, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành đã giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Để thực hiện tốt công tác này, thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí hội họp của cơ sở để thống nhất toàn dân đối với phương án DĐĐT, kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy định của Nhà nước, kinh phí mua vật tư để cứng hóa giao thông, thủy lợi nội đồng... Đồng hành với DĐĐT là ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đáp ứng tiêu chí NTM.
Có thể nói, DĐĐT là một cuộc “cách mạng” mà những cán bộ từ TP đến cơ sở đã phải đổ rất nhiều công sức bởi nó động chạm đến quyền lợi sát sườn của người dân, phát hiện ra hàng loạt bất cập trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, sai sót của nhiều thế hệ cán bộ cơ sở trước đây khiến nhiều người dân phẫn nộ. Có những Bí thư, Chủ tịch xã bị ném đất, đá vào nhà, thậm chí bị đặt vòng hoa trước cửa; có những cán bộ áp lực đến không ngủ, rồi nhập viện vì quá căng thẳng. Có những xã tổ chức hàng trăm cuộc họp lớn, nhỏ, họp không kể ngày đêm chỉ để bình ổn và thẩm thấu cho nhân dân về bản chất của DĐĐT và xây dựng NTM. Không ít những cuộc kiện cáo, phản kháng lớn của nhân dân mà đích thân cán bộ Văn phòng điều phối NTM phải xuống giải quyết như xã Lệ Chi (Gia Lâm), xã Cộng Hòa, xã Đồng Quang (Quốc Oai), xã Kim Lũ (Sóc Sơn), xã Cổ Đô (Ba Vì)…
Đến nay, công tác DĐĐT của Hà Nội đã thành công, toàn TP đã thực hiện dồn đổi được 78.446,9/76.281,6ha, đạt 102,8% kế hoạch. Nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ ruộng đất hiệu quả cao đã và đang ra đời ở Hà Nội như: Mô hình sản xuất hoa, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản... Cũng nhờ DĐĐT, công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập của người nông dân và góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Nhưng cái được lớn nhất từ DĐĐT, đó là giải quyết được công bằng xã hội, đào tạo được đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, có phẩm chất giúp cho hệ thống chính trị vững vàng hơn; đồng thời, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và rộng hơn là với Đảng và Nhà nước.
Không chỉ giúp hình thành các cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp, DĐĐT còn giúp Hà Nội có thêm quỹ đất lên tới gần 2.000ha dôi dư, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Nếu không có DĐĐT, để có được diện tích đất đó, Thành phố sẽ phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng mới có thể thu hồi được, đó là chưa kể để có được mặt bằng thì còn vô cùng gian nan. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã