Học tập đạo đức HCM

Nhìn lại năm 2016 - Ngành giáo dục và đào tạo: Nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện

Thứ sáu - 16/12/2016 04:39
Năm 2016 khép lại với nhiều thành tựu, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, góp phần thúc đẩy giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là cần thực hiện tốt công tác đổi mới thi, tuyển sinh; thực hiện hiệu quả các chương trình dự án và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thi, tuyển sinh chưa như mong đợi

Năm 2016 là năm thứ hai Bộ GD và ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Kỳ thi có hai mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Cả nước có 120 cụm thi, trong đó có 70 cụm thi (với 780 điểm thi) do trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi (với 672 điểm thi) do Sở GD và ĐT chủ trì với tổng số 887.404 thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi THPT kết thúc đã khắc phục được một số hạn chế của năm 2015 nhưng vẫn còn nhiều bất cập như: Duy trì hai loại cụm thi; một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương để coi thi, gây tốn kém và áp lực cho giảng viên; đề thi chưa bao quát phần lớn chương trình, khiến học sinh vẫn lo lắng, dẫn đến học tủ, học lệch; thời gian thi, nhất là số ngày thi còn dài; công tác chấm bài thi tự luận chưa bảo đảm tính khách quan tuyệt đối vì còn phụ thuộc nhiều vào giáo viên chấm thi...

Đáng chú ý, trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, việc một số cuốn sách hướng dẫn ôn tập, xuất bản trước kỳ thi có những bài giống đến mức "đáng ngờ" so với đề thi chính thức của kỳ thi sau đó và một số cuốn sách ôn tập bị nghi ngờ là đề thi dự bị của những năm trước (vốn không được công bố công khai) khiến cho thí sinh và phụ huynh lo lắng. Theo quy định, đề thi (cả chính thức và dự bị) là "tối mật" cho nên việc in sao, vận chuyển phải có công an áp tải nhưng đề thi dự bị được Bộ GD và ĐT khẳng định vận chuyển qua đường bưu điện và mập mờ trong việc thu hồi sau khi kết thúc kỳ thi, khiến cho dư luận xã hội không khỏi lo lắng về tính nghiêm túc của khâu ra đề thi. Mặt khác, trong tuyển sinh, vấn đề "thí sinh ảo", các trường không được cập nhật và công khai tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển gây nên nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2017, Bộ GD và ĐT sẽ đổi mới kỳ thi, trong đó, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn) nhằm tạo hàng rào kỹ thuật bảo đảm cho kết quả kỳ thi tin cậy hơn, loại trừ hầu hết tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi.

Băn khoăn đề án, dự án

Cùng với đổi mới công tác thi kiểm tra, đánh giá, năm 2016 đánh dấu thời điểm kết thúc toàn bộ hoặc kết thúc giai đoạn của một số đề án, dự án lớn đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Trong đó, dự án mô hình trường học mới (VNEN) được chính thức triển khai từ năm 2013 và kết thúc năm 2016 với tổng số vốn là 87,6 triệu USD. Dự án nhằm đổi mới: Phương pháp dạy, học, đánh giá học sinh, tổ chức lớp học, sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong quá trình giáo dục. Kết quả sau ba năm triển khai đến năm học 2016 - 2017, cả nước có 4.437 trường tiểu học triển khai mô hình; 1.161 trường THCS triển khai mô hình đối với lớp sáu; 1.035 trường THCS áp dụng mô hình cho lớp bảy. Mô hình tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường... Tuy nhiên, kết thúc dự án cũng cho thấy mô hình chưa thật sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, áp dụng máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông gây ra những băn khoăn trong dư luận. Vì vậy, Bộ GD và ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục triển khai mô hình trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

Cùng với dự án mô hình trường học mới, năm 2016 cũng đánh dấu kết thúc giai đoạn đầu trong triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Với tổng kinh phí 9.378 tỷ đồng, đề án đặt mục tiêu khung trình độ năng lực ngoại ngữ tương thích với các tiêu chí sáu bậc do Hiệp hội các tổ chức khảo thí châu Âu ban hành. Trong đó, học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc một, THCS đạt trình độ bậc hai và THPT đạt bậc ba theo khung năng lực ngoại ngữ; tốt nghiệp ĐH không chuyên ngữ đạt bậc ba... Giai đoạn 2008-2015, đề án đã được bố trí 3.829 tỷ đồng.

Mặc dù được kỳ vọng khá nhiều nhưng đến cuối năm 2016, đề án bộc lộ mục tiêu còn quá cao so với thực tiễn. Trong quá trình triển khai, việc kiểm tra, đánh giá không được thực hiện nghiêm túc; phương pháp dạy học ngoại ngữ lạc hậu; đội ngũ giáo viên ngoại ngữ thiếu, năng lực không đồng đều giữa các khu vực, địa phương. Điều đó dẫn đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, môn Ngoại ngữ tiếp tục "đội sổ" khi điểm thi trung bình của thí sinh trên cả nước chỉ đạt 3,43 điểm; trong đó, có 399.429 thí sinh có bài thi đạt dưới 5 điểm (chiếm 84%) và chỉ có 74.566 thí sinh có bài thi đạt từ 5 điểm trở lên (chiếm 16%). Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GD và ĐT đã có nhiều thay đổi về mục tiêu, phương pháp triển khai.

Cú "huých" cho chất lượng đào tạo

Đối với công tác đào tạo, năm 2016, nhiều trường ĐH đã nâng cao chất lượng giảng dạy, bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm ngay, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đến hết tháng 10-2016, cả nước có 239 trường ĐH, gồm 179 trường công lập (không tính các trường ĐH thành viên của các ĐH quốc gia và ĐH vùng) và 60 trường ngoài công lập. Bộ GD và ĐT quản lý chặt chẽ việc mở ngành đào tạo; tiếp tục dừng mở một số ngành đã có cảnh báo dư thừa (dừng mở các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ; dừng mở ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng trình độ ĐH, CĐ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vì có dấu hiệu dư thừa nhân lực); giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học và chỉ tiêu hệ liên thông; dừng đào tạo theo hình thức từ xa đối với các ngành đào tạo giáo viên; dừng đào tạo hình thức vừa làm vừa học đối với một số ngành thuộc khối khoa học sức khỏe; giảm dần tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng trong các trường ĐH; chấn chỉnh công tác đào tạo trình độ tiến sĩ để nâng cao chất lượng đào tạo… Thực hiện chủ trương nêu trên, quy mô đào tạo của các trường CĐ, ĐH năm học 2015-2016 đã giảm 7% so với năm trước. Trong đó, các hình thức đào tạo vừa làm vừa học và đào tạo từ xa trình độ ĐH lần lượt giảm 13% và 16,3%. Đáng chú ý, năm 2016 cũng đánh dấu việc Bộ GD và ĐT xây dựng và trình Chính phủ ban hành "Khung trình độ quốc gia Việt Nam" làm cơ sở cho các đơn vị đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.

Kết quả trong năm học vừa qua, giáo dục ĐH nước ta có những bước tiến đáng kể. Vị trí xếp hạng các trường trên các bảng xếp hạng ĐH khu vực và thế giới tiếp tục được cải thiện. Theo Tổ chức xếp hạng các trường ĐH châu Á (QS University Rankings Asia - QS), năm 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội đã vươn lên thứ 139 (so với thứ hạng 191 năm 2015); ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh xếp thứ 147. Trong khi đó, theo kết quả xếp hạng của tổ chức xếp hạng các trường ĐH thế giới Webometric, nhiều trường ĐH của nước ta có trong danh sách những trường tốt của khu vực châu Á... Đến nay, cả nước có sáu trường thực hiện đánh giá ngoài được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, 11 trường đang chờ công nhận. Ngoài ra, có 44 chương trình đào tạo đã được kiểm định theo chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông - Nam Á (AUN); 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Ủy ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI); hai chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ - tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET)...

Có thể nói, năm 2016 khép lại với nhiều nỗ lực của ngành giáo dục trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đồng thời đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những bất cập, khó khăn đòi hỏi ngành giáo dục tiếp thu các ý kiến phản biện, đưa ra những phương pháp, cách làm bài bản, hiệu quả hơn trong năm 2017, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT nước nhà.

Theo nhandan.com.vn

 Tags: thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập273
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm270
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại824,956
  • Tổng lượt truy cập90,888,349
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây