Nhiều nhưng chưa “khỏe”
Theo thống kê năm 2013, trong tổng số 89,7 triệu người dân Việt Nam thì vẫn có 60,7 triệu người sống ở khu vực nông thôn (chiếm hơn 2/3 tổng dân số). Trong khi đó, tổng diện tích cả nước 330.951 km2, đất nông nghiệp là 262.805 km2 (chiếm tới 79,4%) bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 101.511 km2, đất lâm nghiệp là 153.731 km2, đất nuôi trồng thuỷ sản là 7.120 km2 và đất ở tại nông thôn là 5.496 km2 (chiếm 79,5% tổng diện tích đất ở của cả nước).
Thời gian quan, mặc dù đã có sự di chuyển mạnh mẽ về dân cư và lao động từ nông thôn ra thành thị, từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp song trong tổng số 51,7 triệu lao động (năm 2013) vẫn còn tới gần 24,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông lâm thuỷ sản (chiếm 47,4%).
Rõ ràng, mặc dù sở hữu một-bộ-phận-quan-trọng của lực lượng sản xuất là đất đai và người lao động song đóng góp của khu vực nông nghiệp nông thôn vào tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng.
Thống kê cho thấy, tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản trong GDP giảm từ trên 40%GDP trước khi đổi mới xuống dao động quanh mức 20%GDP trong những năm gần đây. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tới trên 70%, ngành chăn nuôi cho dù đã có nhiều nỗ lực cũng chỉ chiếm 26- 27% giá trị sản xuất nông nghiệp, còn tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm chưa tới 2%.
Thực tế trên có nhiều nguyên nhân, song cơ bản, theo TS Vũ Đình Ánh là do khu vực nông nghiệp nông thôn chưa được đầu tư tương xứng trong khi chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Nông nghiệp Việt Nam từ khi đổi mới đến nay có nhiều tiến bộ vượt bậc song căn bản vẫn là dựa vào phát triển theo chiều rộng, thiếu sự đầu tư phát triển theo chiều sâu dựa vào tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ khai thác sử dụng các nguồn lực đất đai và lao động trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ hiện đại.
Quả thật, năng suất lao động xã hội ngành nông nghiệp chỉ bằng khoảng 40% năng suất chung của cả nền kinh tế. Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, nông nghiệp nông thôn Việt Nam vẫn cơ bản dừng lại ở phương thức sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún với kỹ thuật và công nghệ lạc hậu.
Bên cạnh đó, mặc dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 20 tỷ USD nông lâm thủy sản, song chủ yếu vẫn là xuất khẩu nguyên liệu thô, hàm lượng chế biến thấp, số lượng và chất lượng đều thiếu ổn định trong khi lại phải nhập khẩu nhiều sản phẩm là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi... thậm chí một số nông sản vốn là ưu thế của Việt Nam vẫn bị hàng ngoại nhập lấn sân ngay trên “sân nhà”.
Vốn - nguồn lực cho phát triển nông nghiệp
Báo cáo của ngành nông nghiệp cho biết, tỷ lệ vốn đầu tư hằng năm cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng từ 5-6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nên phần vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu và lại càng giãn rộng nếu so sánh với phần vốn đầu tư dành cho khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ.
Theo TS Ánh, hiện khu vực nông nghiệp nông thôn đang “khát” cả vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng của hàng chục triệu hộ gia đình nông dân. Và thu nhập của các hộ nông dân Việt Nam không chỉ thấp mà còn ngày càng cách xa so với thu nhập của khu vực thành thị phi nông nghiệp.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là hai triệu VND/tháng thì của khu vực nông thôn chỉ có hơn 1,5 triệu VND/tháng còn của khu vực thành thị tới hơn ba triệu VND/tháng. Theo đó, chi tiêu của khu vực nông nghiệp nông thôn bị hạn chế rất nhiều với chi tiêu bình quân đầu người năm 2012 chỉ có 1,3 triệu VND/tháng trong khi con số này ở khu vực đô thị là 2,3 triệu VND/tháng còn của cả nước là 1,6 triệu VND/tháng.
Thực tế có rất nhiều lý do khác nhau để giải thích cho những khó khăn về tiếp cận tín dụng nói riêng, tuy nhiên những hạn chế nằm trong phương thức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay gắn với cái “vòng kim cô” là thu nhập thấp, nghèo nên thiếu vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, đầu tư vào máy móc công nghệ để tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đầu tư vào con người để nâng cao trình độ...
TS Ánh cho rằng, cũng vì nghèo nên thiếu tài sản có giá trị để thế chấp cầm cố vay vốn ngân hàng, phải vay vốn với lãi suất thực tế cao hơn nên khó có thể thoát nghèo, khó có cơ hội nâng cao thu nhập và nông nghiệp Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, khó có thể tạo ra và thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh những chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và cơ cấu lao động... thì biện pháp trước mắt có thể thực hiện ngay để giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp nông thôn và nông dân chính là tăng khả năng tiếp-cận-vốn-tín-dụng cho khu vực này.
Việc thông qua xác lập cơ chế thực thi cần đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai. Đồng thời, theo TS Ánh, việc rất quan trọng là cần xây dựng ngay một cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông nghiệp nông thôn và nông dân thay vì phải cầm cố hay “nộp” giấy sử dụng đất - tài sản gần như duy nhất đáng giá của các hộ nông dân - như hiện nay – TS Vũ Đình Ánh đề xuất.
Chí Trung
Nguồn: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã