* Giao thông nông thôn - điểm nhấn xây dựng NTM
Năm 2016, ghi nhận một năm kinh tế nông nghiệp, nông thôn Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng hàng hóa, phát huy lợi thế các vùng cây công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến, cây ăn quả, rau chất lượng cao.
Mô hình trồng cam Vinh tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn
NTM đã vào đến từng nhà, kết cấu hạ tầng phục đời sống, sản xuất của nhân dân khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, thu hút các dự án hỗ trợ sản xuất, đời sống cư dân nâng lên.
6.000ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao
Các chương trình phát triển nông nghiệp được triển khai hiệu quả. Trong đó, Sơn La đã tập trung đầu tư các dự án khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, giao thông nông thôn, phát triển cơ sở sản xuất giống cây trồng, con nuôi chất lượng cao, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, năm 2016 có 18/28 chỉ tiêu chính đạt và vượt kế hoạch. Trong đó một số chỉ tiêu quan trọng, như diện tích và sản lượng lúa, mía, sắn nguyên liệu, cà phê, cây ăn quả, chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn NTM và thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới… đều đạt và vượt kế hoạch.
Ngành NN-PTNT đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung chuyển đổi cây lương thực trên đất dốc, cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả; tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển HTX trồng cây ăn quả giai đoạn 2016 - 2020.
Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá, thống kê 31.000ha canh tác cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp, đề xuất chuyển đổi sang trồng cây ăn quả giai đoạn 2017 - 2020.
Triển khai phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các dự án trồng mới 6.000ha cây ăn quả tập trung ở vùng tái định cư thủy điện Sơn La tại các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và TP Sơn La.
UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt quy hoạch hệ thống sản xuất thủy sản khu vực các lòng hồ thủy điện, lập dự án rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến 2020, định hướng đến 2025.
Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển HTX liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, gắn với tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.
Mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Mường Cơi, huyện Phù Yên
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở sản xuất rau, quả, chè, chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trong đó, 14 cơ sở sản xuất rau an toàn, diện tích 154ha; 8 cơ sở trồng cây quả, diện tích 102,6ha; 4 cơ sở sản xuất chè, diện tích 306ha và 5 cơ sở chăn nuôi.
Tích cực làm giao thông nông thôn
Hơn 5 năm qua, điểm nổi bật trong xây dựng NTM là tỉnh đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã NTM.
Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách và được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện địa phương, cơ sở, từng bước tạo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có gần 2.000km đường giao thông đến trung tâm xã, trong đó có 149/188 xã có đường ô tô đi được 4 mùa; hệ thống đường từ trung tâm xã đến bản 5.916km và 11.497km đường nội bản, nội đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện chương trình NTM. Trong đó, nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, với phương châm “nhân dân tự làm, nhà nước hỗ trợ”.
Quá trình thực hiện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi giữa các xã, bản, huy động được sự đóng góp của nhân dân để làm đường giao thông nông thôn, nhân dân là người trực tiếp thi công, kiểm tra, giám sát và quản lý công trình.
Đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được gần 4.200km đường giao thông nông thôn, trong đó trải nhựa và bê tông hóa trên 3.620km, đường cấp phối 568km.
Phát triển giao thông nông thôn đã giúp giải quyết cơ bản bài toán về giao thông đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao đặc biệt khó khăn, đáp ứng nguyện vọng cấp thiết của nhân dân.
Hệ thống đường giao thông phát triển rộng khắp, đường giao thông nội bản, liên bản, liên xã từng bước được nối liền với các trục đường chính tuyến huyện, tỉnh và quốc lộ, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn. Từ đó thuận tiện cho việc đi lại, giao thương giữa các vùng, phục vụ sản xuất, dân sinh kinh tế, đặc biệt là tiêu thụ nông sản, làm cho giá trị nông sản của bà con được nâng lên, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. |