Khơi dậy tiềm năng từ… cát trắng
Các tỉnh ven biển miền Trung nước ta với những bãi ngang thuộc tuyến cao triều là những dải cát rộng hàng trăm mét, chiều dài chạy dọc theo bờ biển, được xem là tiềm năng to lớn để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm trên cát (NTTC). NTTC sẽ mang lại nhiều lợi thế như sử dụng được diện tích đất bỏ hoang, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng… Xa hơn, NTTC còn đóng góp vào sản lượng tôm xuất khẩu của nước ta, tạo đà cho một số ngành nghề khác phát triển theo như sản xuất vật liệu chống thấm, con giống và thức ăn, chế biến xuất khẩu.
Các tỉnh miền Trung có tổng diện tích đất cát khoảng 100.000 ha. Trong đó, tập trung nhiều ở Quảng Bình (39.000 ha), Phú Yên (14.000 ha), Quảng Trị (13.000 ha), Quảng Ngãi (10.000 ha). Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 15.000 ha đất cát là phù hợp cho nuôi tôm với khoảng 4.500 ha ở Quảng Bình, 4.000 ha ở Quảng Trị, 4.000 ha ở Quảng Ngãi, 1.500 ha ở Ninh Thuận và 600 ha ở Thừa Thiên - Huế. Nhận thấy những tiềm năng lớn, nhiều địa phương đã đầu tư nghiên cứu để đẩy mạnh phát triển nghề NTTC, Ninh Thuận là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước áp dụng và thành công. Từ mô hình nuôi tôm sú trên cát được xây dựng từ năm 1999 tại huyện Ninh Phước, lúc đầu chỉ có 1 hộ nuôi với diện tích 0,5 ha, ao trải bạt nilon chống thấm toàn bộ ao. Đến năm 2000, diện tích nuôi là 5 ha, mật độ thả 15-20 con/m2, năng suất đạt 2-3 tấn/ha/vụ (2 vụ/năm). Nhờ thành công này, diện tích nuôi tôm sú trên cát của Ninh Thuận tăng nhanh và đã đạt 120 ha vào năm 2001 (gấp hơn 20 lần so với năm 2000), sản lượng 800 tấn tôm (bằng 22% sản lượng tôm của toàn tỉnh), năng suất vụ chính đạt 6 -7 tấn/ha/năm, lợi nhuận 140 triệu đồng/ha, đến năm 2002 là 200 ha.
Nuôi tôm trên cát đang đem lại hiệu quả khi được đầu tư đúng hướng - Ảnh: Nam Anh
Thừa Thiên - Huế đã phát triển NTTC với diện tích 16,2 ha, năng suất trung bình đạt 2 tấn/ha/vụ, cao nhất 4,5 tấn/ha/vụ.
Trung tâm Khuyến ngư Quảng Ngãi triển khai mô hình NTTC đạt năng suất hơn 3 tấn/ha/vụ; Bình Định đạt năng suất 1,7-2,5 tấn/ha/vụ.
Nghề NTTC chỉ thực sự phát triển mạnh khi tôm thẻ chân trắng được du nhập vào nước ta. Cùng đó là những bước đột phá về công nghệ và kỹ thuật nuôi. Nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đạt năng suất 10-12 tấn/ha, thậm chí còn cao hơn. Nhiều dự án NTTC đã được quy hoạch, từ vài trăm đến vài ngàn ha.
Thách thức bảo vệ môi trường
Theo các nhà chuyên môn, để điều chỉnh độ mặn cho 1 ao nuôi rộng 10.000 m2, sâu 1,4 m (tương đương 14 m3 nước) trong suốt vụ nuôi (2 vụ/năm), phải dùng 32.000 - 54.000 m3 nước ngọt. Để có nước ngọt cho nuôi tôm thì phải khoan lấy nước ngầm; do vậy làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, gây hiện tượng nhiễm mặn, ảnh hưởng đến địa tầng, về lâu dài sẽ gây sụt lún...; nguồn nước ngọt ven biển đã khan lại càng hiếm hơn. Nhưng có lẽ vấn đề đáng quan tâm nhất là chất thải từ nuôi tôm. Theo các nhà khoa học, bình quân mỗi vụ nuôi, 1 ha tôm thải ra 8 tấn chất thải, trong đó có nhiều hóa chất độc. Tại nhiều vùng nuôi, chất thải chưa được xử lý đã được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều địa phương có đến 100% cơ sở nuôi tôm trên cát không có hệ thống ao chứa, xử lý nước và chất thải.
Tại các địa phương có nghề NTTC ở nước ta, thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập khác: Nghề nuôi tôm trên cát phát triển mạnh khiến nhiều ha rừng đặc dụng bị phá làm hồ nuôi tôm, nhiều vùng biển đẹp bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm cạn kiệt, thiên tai bão lũ trở nên nguy hiểm hơn… Một số nơi, nghề NTTC đã trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường, bởi NTTC dễ khiến môi trường bị tổn thương và rất khó hồi phục.
Để phát triển bền vững và thực sự mang lại hiệu quả, phải cần rất nhiều yếu tố, trong đó định hướng và quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu. Indonesia, Malaysia đã từng phát triển NTTC, nhưng nay đã dần mai một, bởi nhiều vấn đề; trong đó gìn giữ môi trường là nhức nhối nhất. Đây cũng chính là thách thức mà nghề NTTC của nước ta đang gặp phải, và rất cần những chính sách phù hợp để thực sự phát huy hiệu quả và bền vững.
>> Tùy đặc điểm mỗi vùng cát và điều kiện kinh tế, vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật, cách quản lý mà kết quả nuôi tôm trên cát và tác động của lĩnh vực này đôi với môi trường mỗi địa phương khác nhau. Kết quả này sẽ giúp định hướng chính xác hơn để phát triển nghề nuôi tôm trên cát ở mỗi địa phương. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã