Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, về thị trường, nhìn chung về nông nghiệp, Việt Nam có lợi thế rất lớn.
“Nhiều nước khi đến với Việt Nam, người ta hay hỏi là Việt Nam có trợ cấp cho nông nghiệp hay không, thực tế nước ta không có trợ cấp cho nông nghiệp. So với các nước láng giềng như Trung Quốc , Thái Lan, tỷ lệ bảo hộ cho nông nghiệp khoảng 20%, các nước như Nhật, Hàn lên đến 60%”, ông nói.
“Còn với nước ta vẫn chủ yếu thông qua đầu tư thủy lợi, khuyến nông chứ không có việc nhà nước đưa ra giá cao mua cho nông dân. Nhưng nói tóm lại, Việt Nam rất có lợi thế về nông nghiệp và vấn đề nông nghiệp là rất đáng quan tâm”, ông Tuấn cho biết.
Đặc biệt, đối với Quảng Ninh, ông Tuấn nhấn mạnh: Tỉnh có nhiều lợi thế, đó là thị trường khách du lịch rộng lớn, thu hút được nhiều khách Trung Quốc, giá nông sản ở đây cao và đặc biệt là có sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh.
“Đầu tư vào nông nghiệp ở Quảng Ninh có hiệu quả hơn ở các tỉnh khác”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết, vừa qua Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó tiêu biểu là FTA Việt Nam - EU và TPP. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại do các hiệp định này áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn đối với các sản phẩm nông nghiệp.
“Tuy nhiên, đối với nông nghiệp Việt Nam, chúng ta có lợi thế rất lớn để tận dụng các hiệp định đó. Một khi đã đáp ứng được chuẩn cao, thì việc đáp ứng chuẩn thấp sẽ trở nên dễ dàng“, Viện trưởng viện Chính sách chiến lược - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi tại sao với Hiệp định đó ta có lợi, ông Tuấn lý giải, với thuế suất thấp, chúng ta có thặng dư xuất khẩu sang các nước TPP, trong năm 2014 là khoảng 8 tỷ USD.
Ngay cả các nước ASEAN các nước có mặt hàng giống Việt Nam vẫn có thặng dư khoảng 200 triệu USD/năm. Nếu giảm thuế phần lớn về 0% sẽ có tiềm năng lớn.
Thứ hai, trong các mặt hàng có lợi thế tận dụng khi thuế bằng 0% là thủy sản, trái cây, thông qua nhiều Hiệp định thuế suất giảm dần về mức thấp, sang thị trường có thuế cao như Mỹ cũng chuyển về mức 0%.
Đối với sản phẩm gỗ, nhiều sản phẩm hưởng thuế suất giảm về bằng 0%, nhưng bù lại tiêu chuẩn yêu cầu lại cao hơn.
Với mặt hàng lúa gạo vào thị trường Nhật Bản có tính chất bảo hộ mạnh, khó vào thị trường. TPP, EU là thị trường có khả năng sản xuất chăn nuôi mạnh do đó chăn nuôi chịu sức cạnh tranh, ông lưu ý.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng bày tỏ lo lắng việc trong tương lai khi giảm thuế, các nước sẽ áp tiêu chuẩn kỹ thuật rất chặt chẽ. Ví dụ như nước Mỹ hay Nhật, họ đưa ra hàng trăm tiêu chuẩn. Trong khi đó ở Việt Nam, phát triển khoa học chưa đủ mạnh để “tranh cãi” với họ.
Cũng tại hội nghị, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng nhận định đầu tư vào nông nghiệp có nhiều rủi ro, song cần đảm bảo các doanh nghiệp có lãi.
Thứ trưởng cũng thông tin thêm về việc Chính phủ cơ bản thống nhất Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trong đó xác định đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được ưu tiên.
“Vài ngày nữa Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết cùng Nghị quyết 19 sẽ thổi một làn gió mới, niềm tin mới để doanh nghiệp vững tin đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trân trọng đề nghị và hi vọng doanh nghiệp, nhà đầu tư chung tay góp sức cùng nhà nước và nông dân phát triển nông nghiệp nông thôn nhanh và bền vững hơn”, ông Tuấn nói.
MẠNH NGUYỄN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã