Đi ngược xu hướng phát triển
Xu hướng ngành nông nghiệp thế giới là “nói không với kháng sinh”. Song, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện đa số tiêu thụ nội địa, do đó không chịu những hàng rào kiểm tra dư lượng chất cấm khắc nghiệt như xuất khẩu. Hậu quả là chất cấm được sử dụng tràn lan trong ngành chăn nuôi và việc TĂCN (TĂCN) có Salbutamol chỉ là một thí dụ.
Tất cả những người làm trong ngành chăn nuôi và quản lý ngành chăn nuôi lâu năm đều biết ở châu Âu, các nhà máy sản xuất TĂCN không được trộn kháng sinh. Những loại kháng sinh dùng chung cho người và gia súc được quản lý chặt chẽ và chỉ bác sĩ thú y mới được phép dùng để chữa bệnh và đảm bảo việc sử dụng kháng sinh không gây hậu quả cho người tiêu dùng với hàm lượng và thời gian sử dụng trong quy định.
Một chuyên gia ngành chăn nuôi cho biết: “Phần lớn các trang trại chăn nuôi ở châu Âu đều lựa chọn giải pháp tiêu hủy gia súc gia cầm khi nó nhiễm bệnh với hai mục đích là ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, đồng thời hạn chế việc phải dùng kháng sinh”. Trong khi đó, việc sử dụng kháng sinh để chữa bệnh trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam rất phổ biến, thậm chí gia súc không có bệnh cũng cho dùng kháng sinh để nhằm tạo nạc, tích nước, tăng cân, tạo màu sắc.
Giải pháp quyết liệt
Hơn ai hết, các cơ quan quản lý đã nhìn thấy tác hại của việc sử dụng thức ăn “bẩn” trong chăn nuôi. Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) quy định về các tội: sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317). Trong đó quy định nhiều mức xử phạt nghiêm khắc đối với việc sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và TĂCN. Riêng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có khung hình phạt tối đa tới 20 năm tù.
Song, nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng những tiêu chuẩn chăn nuôi quá hiện đại thì sẽ khó khả thi. Vì vật chất, chuồng trại kém gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh nhiều. Nhưng sự thật thì nếu không quyết liệt với chất cấm, ngành chăn nuôi Việt Nam không thể có được bước đột phá.
Tự lực vươn lên
TĂCN chiếm tỷ trọng lớn trong chăn nuôi và Việt Nam chủ yếu nhìn vào nguyên liệu ngoại nhập và các liên doanh, công ty nước ngoài. Giá thành một ký heo hơi của Mỹ vào khoảng 1,5 USD, còn tại Việt Nam khoảng 2 USD. Đây là bài toán khó cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong việc xây dựng ngành sản xuất thức ăn nội địa.
Thị trường TĂCN rất lộn xộn. Chủ yếu sản phẩm phân phối nhờ các đại lý, các đại lý lại dựa vào tỷ lệ hoa hồng để ưu tiên phân phối. Cuộc đua về hoa hồng, về giá, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm xuống. Nhiều loại thức ăn tốt, nhưng hoa hồng chi ít thì các đại lý không mặn mà.
Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết nhiều trang trại đang tự sản xuất thức ăn để giảm giá thành và đảm bảo chất lượng. Đây là chủ trương đáng khuyến khích, vì với quy mô trang trại vừa và nhỏ, hoàn toàn có thể chủ động được nguồn thức ăn.
Song, các chuyên gia trong ngành thức ăn cho rằng để giảm tỷ lệ sử dụng chất cấm thì ngành sản xuất thức ăn phải đi theo hướng nâng cao chất lượng, để gia súc gia cầm ít bị bệnh, giảm tiêu thụ kháng sinh. Đồng thời, các công ty sản xuất thức ăn cần hiện đại hóa với việc tìm các chất thay thế kháng sinh, điển hình như Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín – đơn vị sở hữu 2 nhà máy chế biến TĂCN tại Hà Nội và Yên Bái thử nghiệm công nghệ Probiotics bào tử bền nhiệt tăng khả năng miễn dịch tự nhiên cho vật nuôi.
Một xu hướng hiện đại cũng được quan tâm đó là việc liên kết chuỗi, trong đó sản xuất cung ứng TĂCN cũng phải nằm trong chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Từ đó việc kiểm tra chất lượng thức ăn sẽ dễ dàng hơn và nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất TĂCN đối với sản phẩm chăn nuôi sẽ tiêu thụ trên thị trường.
>> Nếu Việt Nam không bắt đầu quá trình một ngành chăn nuôi sạch từ bây giờ thì ngành chăn nuôi sẽ không chỉ chậm phát triển mà sẽ diễn ra cảnh “thất bại trên sân nhà” khi các sản phẩm chăn nuôi không kháng sinh của các nước sẽ được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước, trong đó việc tiêu thụ thịt bò Úc, gà Mỹ, gà Thái… đang trở nên một xu hướng chính tại các thành phố lớn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã