Giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời tăng cạnh tranh trên thị trường là lợi thế của các chuỗi sản phẩm hàng hóa. Xây dựng và phát huy các chuỗi sản phẩm chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, góp phần xuất khẩu (XK) hàng hóa bền vững.
Xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế |
Kim ngạch xuất khẩu chưa cao như kỳ vọng
Thời gian qua, kim ngạch XK hàng hóa của nước ta đã tăng mạnh về quy mô, năng lực sản xuất hàng XK không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2017 là năm đặc biệt thành công của XK khi lần đầu tiên kim ngạch XK đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Việt Nam cũng đã thực hiện đúng lộ trình của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng 2030. Năm 2018, tình hình XK được nhận định sẽ tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng khi các cam kết hội nhập được triển khai sâu rộng giúp thuế xuất nhập khẩu tiếp tục giảm sâu. Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước cũng sẽ tạo động lực XK. Tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 264,32 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt 133,69 tỷ USD. XK tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch năm.
XK là điểm sáng trong bức tranh kinh tế với kim ngạch duy trì ở mức cao. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại khiến hoạt động XK của Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Bên cạnh đó, mặc dù kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam cao nhưng đóng góp lại chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp (DN) FDI (chiếm hơn 70%), trong khi sự tham gia của các DN Việt còn mờ nhạt và hạn chế. Nguyên nhân là do chưa hình thành được các chuỗi giá trị hàng hóa XK khiến kim ngạch XK chưa cao như kỳ vọng.
Đơn cử, đối với ngành dệt may, kim ngạch XK của Việt Nam đã tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2011 lên 31 tỷ USD năm 2017. Việt Nam chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp. Đặc biệt, ngành dệt may đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chỉ riêng mặt hàng vải, DN trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và XK.
Hoặc với nhóm hàng nông sản, Việt Nam có sản lượng nông nghiệp dẫn đầu song không thu được giá trị cao. Tuy nhiên hầu hết sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề ở khâu chế biến. Trong đó, các mặt hàng nông, thủy sản vẫn đang chủ yếu XK thô. Nếu có qua sơ chế cũng ở mức độ không đáng kể, giá trị gia tăng thấp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ này tạo nên một bức tranh tổng thể không mấy tích cực đối với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩuiểm sáng trong bức tranh kinh tế |
Xây dựng các chuỗi sản phẩm
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hướng tới XK bền vững, trong thời gian tới cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa XK. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm XK.
Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, trước hết, cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và DN để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.
Riêng nhóm công nghiệp chế biến, không thể XK bền vững nếu công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu DN vào cuộc.
Tạo khung khổ pháp lý để hướng tới XK bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế XK; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông, thủy sản XK chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng XK nông, thủy sản vào thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…; giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa bình quân 8%/năm.
Giải pháp chủ yếu, xuyên suốt đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và XK. Đơn cử, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa. Với sự nỗ lực của DN và các khung khổ pháp lý đủ mạnh, có thể kỳ vọng XK sẽ bền vững hơn trong thời gian tới.
Năm 2018, dự kiến kim ngạch XK cả nước có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. |
Bảo Ngọc/congthuong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã