Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (Chương trình) với tổng kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước là 221 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT đánh giá, Chương trình đã đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu được giao, đóng góp thiết thực cả về cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách và chuyển giao ứng dụng có hiệu quả. Chương trình đã nghiên cứu mô hình, chuyển giao và thực hiện được khoảng 150 mô hình trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực trồng trọt, từ kết quả ứng dụng thiết bị kỹ thuật vào sản xuất của các đề tài, dự án, có thể đánh giá: Thủy lợi đóng góp 35-40%; khâu giống đóng góp 25-30%; phân bón và các biện pháp kỹ thuật khác đóng góp 25-30% vào tổng năng suất tăng thêm trong lĩnh vực trồng trọt.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của người dân tại Hội nghị.
Cụ thể, các mô hình thủy lợi đã góp phần làm gia tăng mực nước ngầm trong đồi cát từ 2,5-4,0 m phục vụ nước tưới và nước sinh hoạt; giảm giá thành đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác công trình nước sạch, thủy lợi nội đồng; tiết kiệm nước tưới 20-30%, đồng thời tăng năng suất cây trồng trên 10%; giúp nhiều địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng hiệu quả 5-7 lần; cải thiện điều kiện môi trường, bảo vệ đất chống bạc màu, xói mòn, giảm phát thải 1,5 tấn CO2 /vụ/ha lúa, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Về ứng dụng năng lượng tái tạo: Các mô hình có ý nghĩa lớn khi được thực hiện ở vùng ven biển và hải đảo (Quảng Ngãi, Nam Định), ứng dụng năng lượng mặt trời để lọc nước biển, nước lợ thành nước ngọt sinh hoạt. Đã chế tạo được 200 bộ thiết bị, giảm chi phí 15-20% so với thiết bị nhập ngoại. Đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 70-90 hộ dân tại Giao Thủy và 800-1.000 học sinhvà giáo viên ở đảo Lý Sơn...
Đặc biệt có nhiều mô hình hiệu quả cao về liên kết doanh nghiệp – nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Nông dân ở nhiều địa phương đã được hưởng lợi từ các mô hình này.
Áp dụng khoa học công nghệ giúp tăng năng suất
Trong số 147 mô hình của các dự án có 87 mô hình đã và đang được các địa phương nhân rộng. Các mô hình khác đang tiếp tục chuyển giao cho địa phương. Có những mô hình được nông dân nhanh chóng tiếp nhận, nhân rộng trên diện tích đến hàng nghìn ha; có dự án đã tác động thành lập thêm hàng chục hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, từ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2018-2020 đã nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và trở thành một cuộc vận động to lớn trong các tầng lớp xã hội.
Lấy ví dụ về xây dựng nông thôn mới ở Nam Định mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, dẫn đầu phong trào của cả nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đó là nhờ việc xác định người dân chính là chủ thể của Chương trình và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xử lý rác thải với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp. Ngoài ra, từ thực tiễn cuộc sống, các bộ, địa phương đã tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng các mô hình nông thôn mới ở cấp thôn phù hợp với các địa bàn, góp phần sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội, thay đổi nhanh, mạnh mẽ tư duy, đời sống vật chất của người dân.
“Nếu ngồi trong phòng lạnh nghiên cứu khó mà sát thực. Vì thế các viện nghiên cứu cần tập trung nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học trong xây dựng thể chế, chính sách thực hiện các vấn đề cụ thể như xử lý rác thải, nước sạch cho vùng nông thôn, các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hoá bản sắc các vùng miền, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn cho đời sống cư dân nông thôn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng bày tỏ coi trọng vai trò của địa phương trong phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu trong đặt hàng, xây dựng các đề tài, dự án để ứng dụng trên địa bàn, tăng cường hỗ trợ các start-up địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp (đóng góp kinh phí đối ứng tới 43% tổng kinh phí), nông dân, hợp tác xã tham gia, cơ bản thiết lập được cầu nối giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, bước đầu bảo đảm công bằng thương mại cho nông dân.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc chính quyền các địa phương cũng tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ngay trong quá trình triển khai thực hiện, các mô hình dự án của Chương trình có quy mô vài chục đến hàng trăm ha đến nay đã nhanh chóng được nhân rộng hàng nghìn ha trong các vùng sản xuất trọng điểm ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
VĂN QUYẾT/ Báo Dân sinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã