Sau hơn một năm triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn Quảng Ninh nay đã được đổi mới và có những chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn. Việc cung cấp điện đến các xã, thôn, bản là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược giảm nghèo và không ngừng nâng cao điều kiện sống, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên trên 95%. Nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu năm 2012 toàn tỉnh 100% số xã có hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật, UBND tỉnh đã phân bổ 40 tỷ đồng để triển khai cả 2 giai đoạn của dự án điện nông thôn. Về thuỷ lợi, toàn tỉnh thực hiện 43 công trình thuỷ lợi bao gồm các công trình hồ đập và công trình kênh mương các loại, với khối lượng thực hiện khoảng trên 20km và đã hoàn thành đưa vào sử dụng được 10 công trình, cơ bản đáp ứng yêu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hệ thống giao thông nông thôn cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây là tiền đề rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội khác. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường cứng hoá đến trung tâm xã. Ngoài ra, có 772,5km đường trục xã, liên xã đã được bê tông hoá, nhựa hoá; 453,4km đường trục thôn, xóm ở trên địa bàn các xã đã được bê tông hoá và nhựa hoá. Hệ thống mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn cũng có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nhân dân tốt hơn, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được chú ý và mở rộng đến cấp thôn, đã góp phần quan trọng trong công tác xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Cung cấp nước sạch cũng có bước phát triển mới, đến nay, số dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 87,5%. Vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải thiện.
Nhà văn hoá thôn Đồng Cao, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ được xây dựng bằng một phần vốn xã hội hoá được đưa vào sử dụng cuối tháng 4-2012. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển xây dựng hạ tầng nông thôn còn những vướng mắc cần giải quyết kịp thời. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo chương trình, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng nguồn lực cho nông thôn mới của tỉnh là trên 1.990 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trực tiếp cho chương trình từ ngân sách tỉnh là gần 500 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép thực hiện 246 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 1.224 tỷ đồng. Đồng chí Hoàng Ngọc Ngò, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 22 nhà văn hoá thôn bản, tiếp tục triển khai xây dựng đạt chuẩn 3 trường tiểu học và 160 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với ngành điện triển khai xây dựng hệ thống điện cho 4 xã biên giới. Tính đến nay, nguồn vốn thực hiện chương trình là 106,57 tỷ đồng. Mặc dù thời gian qua, ngân sách tỉnh và huyện đã quan tâm đến công tác bố trí nguồn lực cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn mới, tuy nhiên, đa số các công trình được đầu tư đều là các công trình chuyển tiếp, các công trình mới chưa nhiều nên việc hoàn thành các tiêu chí về đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Các công trình đầu tư vào địa bàn xã cơ bản vẫn do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, trong khi đó nhân lực tại UBND xã còn hạn chế về số lượng và chất lượng nên khả năng huy động sức mạnh của cộng đồng còn chưa cao; chưa phát động được các phong trào người dân tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ cho đời sống của địa phương mà có tư tưởng ỷ lại, trông chờ. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nguồn lực huy động còn hạn chế.
Chính vì thế, để giải quyết vấn đề này, cần nhanh chóng có cơ chế khuyến khích hơn nữa các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc xác định vai trò của mình là chủ thể trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, theo hướng Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần và phát huy sự đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân đóng góp thêm vốn, đất hoặc nhân công. Có như vậy mới tạo ra sức mạnh tổng hợp được huy động từ mọi nguồn lực để hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã