Đặc điểm kinh tế miền núi
Do xuất phát điểm thấp, điều kiện sản xuất khó khăn, nên sản phẩm làm ra manh mún, tính đặc sản thì có, nhưng chất lượng không cao và không đồng đều, điều kiện tiêu thụ trong nước khó khăn, xuất khẩu càng khó hơn. Bà con chủ yếu đi chợ bán từng “món” hàng, nên chất lượng không ổn định, giá cả không làm chủ được. Rủi ro thị trường lớn do chất lượng thấp, không kiểm soát được quy trình, không đảm bảo được yêu cầu giao dịch của thị trường hiện đại.
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhất là kinh tế thị trường toàn cầu hóa, muốn làm chủ được giá cả thì phải sản xuất với số lượng lớn, chất lượng phải đồng đều.
Để thay đổi năng lực của người dân miền núi theo năng lực chung của nền kinh tế đòi hỏi phải có thời gian, không thể làm nhanh trong một vài năm. Thay đổi điều kiện sản xuất, cải thiện các điều kiện hỗ trợ thị trường, tăng cường tác động của công nghệ, giáo dục… đều chậm. Đây là đặc điểm có tính tổng quát.
Thêm vào đó, trong chiến lược hội nhập, cách tiếp cận của chúng ta để nhập cuộc vào thị trường thế giới theo hướng hình thành một nguồn cung lớn, thị trường lớn, về mặt chiến lược quốc gia là chưa rõ ràng, chiến lược sản phẩm cũng không rõ. Điều đó làm cho quá trình tiếp cận thị trường thế giới của các sản phẩm của nông dân theo đúng nghĩa hiện đại là rất chậm. Ví dụ, ta chưa có giải pháp bảo đảm quy hoạch vùng sản phẩm và cũng chưa có hỗ trợ hữu hiệu về mặt chính sách, nên bà con với tính tự phát thường trực, họ cứ thấy lợi trước mắt là chạy theo, nên dễ phá vỡ quy hoạch. Để khắc phục tình trạng đó, muốn giữ được quy hoạch thì phải có những ràng buộc cam kết chặt chẽ và hỗ trợ tích cực cho nông dân. Nếu đặt vấn đề đấy là vùng sản phẩm phục vụ giao dịch quốc tế thì phải có chính sách đảm bảo ổn định về sản phẩm – cả chủng loại, khối lượng và chất lượng, để nông dân biết phương hướng mà tiếp cận công nghệ (giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch), để biết “tổ chức” thị trường - cả thị trường đầu ra lẫn thị trường đầu vào - ổn định và chắc chắn hơn. Hiện, nhà nước chưa có giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo. Công việc này đã được nhà nước thực hiện từ lâu, thường xuyên, liên tục và hiện vẫn đang được tiếp tục, nhưng cần triển khai hỗ trợ thêm về vốn tín dụng cung cấp cho bà con. Nếu không, càng manh mún, càng nhỏ lẻ, lạc hậu thì càng khó tổ chức được sản xuất và thị trường một cách chắc chắn, để đảm bảo giảm chi phí và thu được lợi nhuận.
Từ tất cả những đặc điểm đó, sinh ra một vấn đề: Trong tất cả các khâu sản xuất – kinh doanh nông nghiệp hiện nay, có một khâu rất then chốt, quyết định để giúp nông nghiệp nông thôn, giúp bà con đi lên thị trường vững vàng, chính là khâu doanh nghiệp (DN). Từ trước tới nay, nông dân có nỗ lực rất lớn trong sản xuất, nhưng dù nỗ lực thế nào, họ cũng không thể tự mình đi lên sản xuất lớn được. Ngay cả nhà nước giúp, như kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nếu chỉ có nhà nước mà thiếu khâu rất quan trọng là DN, thì nông nghiệp không thể lên sản xuất lớn, hiện đại được. Phải có DN, DN phải vào cuộc thì nông nghiệp nông thôn mới chuyển sang phương thức sản xuất mới được.
DN là mấu chốt phát triển sản xuất hàng hóa ở miền núi
Hội thảo có chủ đề: “Nâng cao hiểu quả thông tin thị trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới”. Nâng cao hiệu quả thật sự không phải dễ.
Cần lưu ý rằng, thông tin thị trường cơ bản chỉ giúp người sản xuất- kinh doanh, nhất là nông dân, giải quyết các vấn đề ngắn hạn, chứ khó có thể giúp giải quyết một cách “căn cơ” các vấn đề dài hạn. Bởi thông tin thường là mang tính thời điểm.
Muốn cho thông tin dài hạn, xu hướng, giúp giải quyết vấn đề chiến lược, dài hạn thì cần phải tổng hợp, phân tích, mổ xẻ số liệu nhiều năm, nhiều vùng. Đó lại là việc của các cơ quan nghiên cứu, mang tính trường kỳ, không tức thì, không “ăn ngay” được. Có thể thông tin đó nêu một số dự báo, nhưng khả năng chính xác của nó cũng khó có thể bảo đảm chính xác tuyệt đối, bởi vì nông nghiệp chịu ảnh hưởng thời tiết bất thường, mang tính vùng miền và thời vụ. Trong điều kiện cạnh tranh bây giờ hết sức quyết liệt, nhiều khi dự báo cũng khó chuẩn xác. Thêm vào đó, bây giờ, khi tính đến thị trường hội nhập thì quy mô phải lớn, sản lượng phải nhiều và chất lượng cũng phải bảo đảm.
Vùng nông thôn của ta chủ yếu làm ăn theo kiểu manh mún. Đặc biệt nông thôn miền núi càng không đủ số lượng, càng không bảo đảm được chất lượng, các điều kiện giao hàng cũng khó đáp ứng đầy đủ. Đây là vấn đề rất khó khăn. Cho nên, đối với cách tiếp cận đến sản phẩm của miền núi, tôi cho rằng phải thay đổi tư duy. Ngoài việc thông tin thị trường là yếu tố hỗ trợ thì vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao được khả năng cung ứng sản phẩm tốt của thị trường, mà muốn được như thế thì đòi hỏi có mấy yếu tố:
Thứ nhất, phải hướng vào các loại đặc sản, những loại sản phẩm độc đáo, những loại mà chất lượng cao vốn có sản phẩm truyền thống bản địa.
Thứ hai, phải dựa vào công nghệ, bằng công nghệ để kiểm soát được chất lượng và tăng được khối lượng sản xuất. Đối với các loại sản phẩm đặc sản - đặc hữu, chỉ có công nghệ mới xử lý được những vấn đề trên để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong điều kiện khó về quy mô diện tích thì công nghệ giúp phần nào việc tăng khối lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích.
Thứ ba, yếu tố quyết định phải gắn được DN vào sản xuất của nông dân. Việc này làm rất khó nhưng phải làm. Có thể từng bước một. Chỉ có đưa DN vào được nông nghiệp thì mới bảo đảm được yếu tố thị trường, cũng như bảo đảm đưa được công nghệ vào để kiểm soát năng suất, chất lượng. Quá trình này đối với miền núi là không dễ dàng, nhưng phải bằng mọi giải pháp làm cho được như thế. Chuyển dịch nông nghiệp nông thôn của miền núi về mặt chiến lược là phải theo hướng đấy. Thế cho nên phải tạo ra cơ chế, chính sách hấp dẫn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vùng miền núi, gắn kết chặt họ với nông dân thì lúc ấy mới đạt mục tiêu quy mô và chất lượng của sản xuất hàng hóa.
Bà con vùng cao đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng giống ngô chất lượng cao
Về vai trò DN, tôi cho rằng phải coi đây là yếu tố mấu chốt, yếu tố trung tâm quyết định việc phát triển sản xuất hàng hóa ở miền núi trong giai đoạn hiện nay. Nói điều này không có nghĩa là hạ thấp vai trò của nông dân miền núi, vì nông dân vẫn là nền tảng của phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố mới để làm cho nông nghiệp vùng miền núi vươn lên, tiếp cận được thị trường, bảo đảm cho nền kinh tế của nông dân còn nhỏ lẻ, còn phân tán, chất lượng chưa cao, nhưng bước ra được thị trường trong nước, đặc biệt là thế giới thì phải là DN. Do đó, phải tập trung chính sách cho đầu tư của DN về mọi mặt, cả về đầu tư công nghệ. Đấy là vấn đề cần được quan tâm đầu tiên, quan tâm cơ bản để xoay chuyển tình thế. Nếu chúng ta không quan tâm đến nông nghiệp theo phương thức mới, cứ “chăm chăm” trực tiếp cho người nông dân như xưa nay vẫn vậy, nghe có vẻ tốt bụng, hợp lòng người đấy nhưng không thể cải thiện được phương thức canh tác truyền thống, không cải thiện được năng lực sản xuất của nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, bây giờ phải tập trung cho “ông” DN. Chỉ có như vậy mới ăn thua.
“Cú hích” để DN đầu tư mạnh mẽ vào miền núi
Bởi DN xuất hiện có mấy tác dụng:
Một là, DN sẽ làm cho quy mô sản xuất lớn lên, tập hợp đặt hàng từ nhiều gia đình nông dân, tạo sự ràng buộc các gia đình sản xuất theo quy mô lớn và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khi quy mô lớn thì chất lượng cũng đảm bảo tốt lên, cung cấp đầu vào ổn định hơn. Để bảo đảm yêu cầu này, DN phải tính chuyện đầu tư công nghệ đưa vào sản xuất, bảo quản.
Hai là, DN xuất hiện và chịu trách nhiệm, họ giúp nông dân, cùng với nông dân hướng ra thị trường đúng bài bản, đúng nguyên tắc. Họ chịu trách nhiệm về thị trường đầy đủ hơn. Họ có khả năng và buộc phải dự báo tốt hơn. Họ có khả năng và buộc phải luôn luôn móc nối tìm kiếm bạn hàng chủ động, tránh rủi ro thị trường cho sản xuất nông nghiệp (của người nông dân và giờ đây – của chính DN).
Nền kinh tế Việt Nam đã chuyển sang thị trường, nhưng cách tiếp cận phát triển nông nghiệp, nông thôn của chúng ta dường như vẫn thiếu một khâu nối then chốt, đó là DN. Nếu nhà nước sẵn sàng nỗ lực và nông dân cũng nỗ lực hết mình, nhưng khâu DN vẫn thiếu, thì việc kết nối sản xuất và thị trường, nhất là thị trường thế giới hiện đại, vẫn bị “đứt mạch”. Có DN thì mới có thể kết nối cả 3 khâu lại được với nhau chặt chẽ và như vậy mới có cơ dịch chuyển nông nghiệp nói chung, đặc biệt nông nghiệp ở khu vực miền núi đi lên từng bước vững chắc.
Vậy để thu hút DN thực sự muốn đầu tư vào các vùng nông thôn và miền núi, biên giới nói riêng, chúng ta cần phải có những cú hích gì, chính sách như thế nào?
Đi thực tế vừa qua, tôi thấy nhiều phần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân đạt hiệu quả không cao, hoặc không hiệu quả. Vậy, để hiệu quả thực sự thì nên tính đến cách hỗ trợ cho DN họ đi vào nông nghiệp nông thôn để khuyến khích tạo động cơ, động lực cho họ. Viêc này sẽ giải quyết được vấn đề là tại sao từ xưa nay nông nghiệp là một mảnh đất sinh lợi, nhưng DN ngại nhảy vào đầu tư.
Để tạo động lực, nhà nước cần phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN. Hỗ trợ ở đây không nhất thiết phải cơ chế xin cho, mà DN có dự án thì nhà nước có thể hỗ trợ việc tiếp cận đất đai, hỗ trợ tiếp cận đến bà con nông dân. Trên thực tế, việc DN tiếp cận với bà con nông dân rất khó khăn, vì phải đi thỏa thuận từng người với các điều kiện hợp đồng rất phức tạp, lằng nhằng, có khi chỉ một vài người không thỏa thuận được là “vỡ” hết cả dự án… Do đó, cần phải có chính quyền địa phương vào cuộc, chung sức hỗ trợ DN.
Thậm chí ở những nơi điều kiện khó khăn thì rất nên có hỗ trợ tín dụng, nên có những điều kiện cho vay dưới hình thức hỗ trợ lãi suất cho DN như đối với xóa đói nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Một giải pháp nữa, ngày xưa hỗ trợ trực tiếp, thì nay cũng vẫn là hỗ trợ cho miền núi, nhưng thông qua một chủ thể khác là DN. Hỗ trợ đầu tư cho miền núi thông qua DN, theo tôi rất có thể “ông” nhà nước được lợi hơn. Với cách này, số hỗ trợ có thể còn ít hơn, nhưng tạo ra tác động mạnh, hiệu quả hơn và vững chắc hơn.
Rồi cũng có thể hỗ trợ DN thông qua tạo điều kiện về nhân lực, bởi vì khi DN vào cuộc thì cần thiết có nhu cầu về nhân lực, có thể tổ chức những lớp đào tạo nghề cùng với DN, nhưng tránh đào tạo “suông”.
Đó là những cách để giúp kết nối DN với người dân. Hay có thể hỗ trợ về thủ tục tiếp cận thị trường. Ví dụ như đi bán hàng nông sản, hàng tươi sống thì phải có cơ chế thế nào để không thể có chuyện chặn dọc đường, gây khó dễ, tìm cớ phạt. Đi mua nông sản vùng xa mà trên đường cứ bị chặn hết chỗ này chỗ khác, hạch sách lên hạch sách xuống thì DN không thể làm tiếp. Khi đó, ai thu mua nông sản cho đồng bào dân tộc miền núi? Do đó, cần có quy chế riêng cho lưu thông tiêu thụ hàng hóa nông sản vùng miền núi vùng sâu, vùng xa với những quy chế làm sao phải trở thành những quy tắc chế tài mang tính pháp lý, đảm bảo quyền cho DN được thực thi trong việc thu mua nông sản.
Nói chung nhiều yếu tố, nhưng theo tinh thần của Chính phủ đang làm, là phải tạo thuận lợi cho các hoạt động của DN, nhất là DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Nhưng để làm được việc này, cần phải có sự bảo vệ về mặt pháp lý, tức là quyền của DN phải được tôn trọng thực sự, phải được bảo vệ. Nếu tôn trọng DN thực sự thì những người nào hành hạ DN thì “ông” nhà nước phải có chế tài trừng phạt, bảo vệ bằng được quyền của DN. Luật phải trao cho DN công cụ để họ tự bảo vệ quyền của mình trước chính các “ông nhà nước”.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nâng cao chất lượng thông tin cho bà con dân tộc Đây cũng là dịp Bộ Công Thương và Ủy ban Dân tộc có thể đánh giá sát hơn đối với chính sách phát triển kinh tế, thương mại vùng đặc biệt khó khăn. n Ông Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Phát triển vùng dân tộc thiểu số: Tập trung vào 3 nhóm Nhóm 2: Tùy theo đặc điểm của điều kiện tự nhiên và dân tộc của từng vùng, tập trung tạo điều kiện để người DTTS tham gia cung cấp dịch vụ công ích (trồng rừng, bảo vệ môi trường, quốc phòng), hỗ trợ phát triển sản xuất kết nối với thị trường, ổn định cuộc sống. Nhóm 3: Nâng cao trình độ nhận thức, thể trạng con người, năng lực phát triển sinh kế, từng bước hình thành sản xuất sản phẩm gắn với thị trường. |
PGS-TS Trần Đình Thiên
theo baocongthuong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã