Cải cách nhưng đừng làm méo mó chính sách thuế
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, hàng loạt mặt hàng cắt giảm thuế quan, chỉ có thể cân đối ngân sách bằng cách cơ cấu lại thu nội địa tuy nhiên, điều chỉnh thuế nào tăng, thuế nào giảm phải tính toán, cân nhắc thật kỹ. Việc sửa đổi, bổ sung phải với tinh thần đúng với chiến lược cải cách thuế, đúng bản chất các sắc thuế.
“Cải cách nhưng đừng làm méo mó chính sách thuế. VAT là VAT chứ không phải thuế doanh thu, và thế nào là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình sớm để Chính phủ cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước đó về việc không tăng thuế giá trị gia tăng. Điều này đã có tác động tốt tới thị trường. “Đây là quyết định thể hiện tinh thần trách nhiệm và dũng cảm”, Phó Thủ tướng nhận định.
Theo Phó Thủ tướng, phải nuôi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân. Đôi khi giảm thuế, tỷ lệ thu và điều tiết nhưng lại tăng được tổng thu mới là đúng đắn.
Dẫn lại việc tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, Phó Thủ tướng cho biết, “ai cũng lo khoản này thất thu nhiều nhưng tới bây giờ thì thu đã tăng rất nhiều lần.”
Còn về thuế tài sản, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi trên thế giới, thuế tài sản thực chất chỉ là thuế nhà và đất. Thuế đất đang có thuế đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, hiện đang xem xét tăng lên. Tuy nhiên, về nhà ở, Phó Thủ tướng dẫn tính toán của ngành tài chính, với mức chịu thuế là 700 triệu đồng, ngân sách có thể có thêm 2.900 tỷ đồng. Nếu ngưỡng tính thuế là 1 tỷ đồng, số tiền thu thêm chỉ là 1.500 tỷ đồng.
"Thử tính, 1.500 tỷ đồng này chỉ bằng một phần bao nhiêu của số nợ đọng thuế 70.000 tỷ đồng hiện tại? Trong khi đó, trên thế giới, một số nước phải mất 2 đồng cho chi phí quản lý thuế nhà đất mới thu được 1 đồng thuế", Phó Thủ tướng lý giải và cho rằng, dư địa để tăng ngân sách từ số thuế bị thất thu, đặc biệt từ trốn thuế, chuyển giá và nợ đọng còn rộng hơn rất nhiều.
Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường công tác quản lý thu hơn nữa, chống thất thu, chống sói mòn cơ sở thuế nhất là trong khu vực kinh tế phi chính thức. Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện Nghị định về hóa đơn điện tử, sớm chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, chống thất thu, trốn thuế, chuyển giá…
Phải quy trách nhiệm của người đứng đầu
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, ước tính 6 tháng đầu năm 2018, loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, có 32 địa phương tiến độ thu ngân sách thấp so với dự toán, trong đó có 13 địa phương đạt dưới 45% dự toán năm.
“Vẫn còn 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, trong đó Hà Nội mới “xấp xỉ”, còn TP.HCM mặc dù số thu tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ hoàn thành lại thấp hơn năm trước. Đừng để nước tới chân mới nhảy, cần rà soát vì sao thu thấp, do dự toán hay quản lý thu yếu kém? Trách nhiệm Trung ương và địa phương ra sao? Nếu không khéo, lại có tình trạng cả nước vượt thu nhưng ngân sách trung ương vẫn phải è cổ ra cấp bù cho tỉnh hụt thu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảnh báo và đề nghị các Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phố rà soát tiến độ thu ngân sách tại 20 địa phương trên.
Theo Phó Thủ tướng, hiện vẫn còn tình trạng, địa phương hụt thu, giảm thu nhưng có nơi lại tăng thu nhiều so với dự toán.
“Phải có tổ công tác rà soát chuyện này, đốc thu và quản lý thu là tiến hành ngay từ bây giờ. Áp dụng tất cả các biện pháp để vượt ngân sách. Không thể lấy ngân sách của tỉnh vượt thu đi bù cho tỉnh hụt thu được. Cần siết chặt kỷ luật về chi ngân sách, nhất là các khoản chi khánh tiết, mua sắm công, đi công tác nước ngoài... Đặc biệt, cần quy trách nhiệm của người đứng đầu trong chi thường xuyên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Chi thường xuyên chiếm trên 70% tổng chi ngân sách
Tăng thuế có thể khiến người nghèo thành bần cùng