Được sự giới thiệu của người dân bản Tiên Sơn, chúng tôi tìm đến vườn nhãn 2ha của ông Nguyễn Văn Hưng, vườn nhãn với 270 gốc, cây nào cây nấy quả sai trĩu cành. Nhìn thấy chúng tôi, ông Hưng vội dừng tay cắt những trái nhãn đầu mùa rồi mời chúng tôi xuống căn nhà tiền tỷ mà ông vừa xây được bằng tiền bán nhãn trong mấy năm vừa rồi.
Ông Nguyễn Văn Hưng, cho biết: Muốn cây nhãn phát triển tốt, phải tưới tiêu nước đầy đủ vào mùa khô, tỉa cành tạo tán cho cây để tránh sâu bệnh hại phát triển
Vừa thưởng thức những trái nhãn ghép chín sớm ngọt lịm, ông Hưng vừa kể: Khi bắt đầu làm nông nghiệp, nhà tôi đã trồng nhãn nhưng trồng giống nhãn địa phương nên năng suất không cao. Bởi vậy, năm 2012, toàn bộ 270 gốc nhãn cỏ được cắt ghép giống nhãn Miền Thiết lấy giống từ xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Vườn toàn cây nhãn cổ thụ nên ghép năm 2012, đến năm 2013 đã cho thu.
Những chùm nhãn ghép đầu mùa sai lúc lỉu nhưng ông Hưng cũng đang đau đầu bài toán được mùa, mất giá
Năm 2016, thực hiện theo Chương trình mô hình điểm VietGAP của Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, ông Hưng chuyển toàn bộ số diện tích nhãn sang chăm sóc theo hướng này. Cũng trong năm đấy, gia đình ông thu được 30 tấn quả nhãn tươi. Với giá bình quân cả mùa là 17 nghìn đồng/kg, vườn nhãn của gia đình ông Hưng cho thu hơn 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuốc thang, phân bón ông Hưng cũng bỏ túi hơn 300 triệu đồng.
“Phải đảm bảo thời gian cách ly, bón phân, phun thuốc đúng, đủ tiêu chuẩn theo sự hướng dẫn của Sở NN&PTNT. Đối với phun thuốc, bón phân phải đảm bảo cách ly ít nhất 30 ngày trước khi thu quả” – ông Hưng, tiết lộ.
Chia sẻ cách chăm bón để cây nhãn ra hoa, đậu quả tốt, ông Hưng cho biết: Tháng 12 dương, bắt đầu khoanh cành cho cây. Mục đích chính của kỹ thuật này là siết nước, giúp cây nhãn phân hóa mầm hoa. Xong thời điểm khoanh cành cho cây nghỉ một tháng ngủ đông rồi sang tháng 1 phun thuốc Flower – 94 để đánh thức.
"Từ khi chuyển sang ghép giống nhãn Miền Thiết, Khoái Châu cuộc sống gia đình cũng bắt đầu khá giả từ đó" - ông Hưng, bảo vậy
Sau khi thu hoạch nhãn xong, khoảng tháng 8 - 9 bón phân NPK+đạm để phục hồi cho cây. Sau đó một tháng lại tiếp tục bón phân NPK, đạm với tỷ lệ 1kg/gốc. Từ tháng 1 năm sau đến lúc thu quả nhãn thì bón mỗi tháng 1 lần nhưng phải dừng bón phân một tháng trước khi thu quả.
Năm 2017, do thời tiết khắc nghiệt khiến sản lượng nhãn giảm nhiều nên nhà ông Hưng thu được 10 tấn, với giá bình quân 20 nghìn đồng/kg, nhà thu được 200 triệu đồng
“Không chỉ riêng nhãn nhà mình mà toàn huyện nhà nào cây cũng rất sai quả. Dự kiến năm 2018 này, nhà mình sẽ thu được từ 30 – 35 tấn quả. Giá đầu mùa hiện nay là 25 nghìn/kg đối với nhãn ghép chín sớm. Gia đình cũng đang lo được mùa sẽ lại mất giá. Mình cũng mong chính quyền địa phương giúp người nông dân như chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm” – ông Hưng, mong muốn.
Theo: Tuệ Linh/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã