Phú Ninh hôm nay khác hẳn với 3 năm về trước. Đường sá, nhà cửa, trường học được xây dựng kiên cố, khang trang, nông nghiệp được đầu tư máy móc hiện đại, đời sống người dân khấm khá lên, nhiều trang trại, doanh nghiệp, xí nghiệp mọc lên đông đúc...
Ông Trần Ngọc Bằng-Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Ninh, phấn khởi: “Ngày chưa triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), ruộng đất trên địa bàn huyện Phú Ninh còn manh mún, người dân không thể đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Mặt khác ruộng đất ô thửa nhỏ gây khó khăn cho việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất đai…
Nhưng từ khi triển khai xây dựng NTM, tình hình đã khác hẳn. Ruộng đồng được phân chia trở lại, nhất là việc DĐĐT và xây dựng cánh đồng mẫu. Riêng trong năm 2013, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện DĐĐT ở 5 xã, gồm 21 thôn, với diện tích 390,85ha, nâng tổng số diện tích DĐĐT trên địa bàn huyện lên 2.330,85ha; tổng số diện tích đã đo đạc sau DĐĐT là 720ha, nâng tổng diện tích đo đạc lên 1.220ha. Trong đó được chỉnh lý biến động, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 366ha. Song song với việc DĐĐT, đến nay huyện đã đắp trên 200km trục chính giao thông nội động và 120km kênh mương tưới tiêu.
Cũng theo ông Bằng, việc triển khai DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu đã giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi cho hộ canh tác thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập cho người nông dân và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Huỳnh Văn Ba (48 tuổi, thôn Dương Đàn, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) tâm sự: “Từ khi huyện triển khai xây dựng NTM, nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp đã hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân. Mỗi hộ dân cũng được hỗ trợ 100.000 đồng để cải tạo lại đồng ruộng, đắp bờ... Nhờ sự giúp sức của các cấp chính quyền từ xã đến huyện, ngân hàng, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư ngay một chiếc máy cày, máy đập liên hợp, máy gặt để giúp bà con trong vùng phát triển nông nghiệp. Nhờ có máy móc phục vụ cho nông nghiệp, công việc đồng áng của người dân được nhẹ nhàng, năng suất nông sản cao hơn gấp nhiều lần so với trước kia”.
Nhiều hỗ trợ nông dân
Ông Trần Ngọc Bằng cho biết thêm: “Đến nay đã có 100% xã trên địa bàn huyện Phú Ninh hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch nông nghiệp và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp; 7/10 xã quy hoạch khu trung tâm xã, các xã còn lại đang thực hiện rà soát, đánh giá để điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của huyện trên 17%; thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 41% (năm 2010 là 23,5%); tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 7,44%, giảm 9,34% so với năm 2010…
Tổng nguồn huy động vốn đầu tư xây dựng NTM 3 năm qua trên 525 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách các cấp chiếm trên 57%, vốn tín dụng trên 16%, vốn doanh nghiệp và hợp tác xã trên 15% và nhân dân đóng góp trên 10%. |
Để thực hiện chủ trương đề ra, bộ máy từ xã đến huyện đang tiếp tục củng cố toàn vẹn. Nhất là nâng cao chất lượng hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất kết hợp với liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên nguồn vốn và lồng ghép các chương trình dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa…”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Huỳnh Tấn Đức-Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, nhấn mạnh: “Trong thời gian đến, huyện Phú Ninh sẽ cố gắng nỗ lực hết sức mình phát huy những thành tựu đạt được, tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng kênh mương thủy lợi đảm bảo nước tưới cho ruộng đồng; phát triển giao thông nội đồng nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, tập trung đầu tư công nghệ, chú trọng khâu cơ giới hóa khép kín, từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, giảm thất thoát trong quá trình thu hoạch...
Thông qua nhiều kênh để hỗ trợ vốn vay cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao kinh tế, kể cả kinh tế ngoài đồng và kinh tế trong nhà. Hướng nông dân chuyển dần bớt lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp nhưng không thoát ly vùng nông thôn. Hỗ trợ lãi suất vay thấp nhất cho nông dân bằng cách áp dụng cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh và của huyện. Như vậy, khi người dân vay vốn sản xuất sẽ bớt lo đến việc trả lãi suất. Tất cả việc này, nhằm giúp các xã sớm đạt được các tiêu chí để hoàn thành Chương trình xây dựng NTM của huyện Phú Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung”.
Người dân Phú Ninh rất hân hoan, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước. Hình hài NTM nơi đây hình thành rõ nét, nông thôn Phú Ninh đã có một diện mạo mới.
Hồng Phong
Nguồn: http: danviet.vn