Chương trình NTM đã góp phần làm cho hạ tầng nông thôn Quảng Ninh ngày càng đồng bộ, góp phần tích cực phát triển KT-XH |
5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ: 66 xã, 10/13 huyện, TX, TP cơ bản đạt tiêu chí NTM; 1 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Quảng Ninh đang vững tin tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.
Quyết tâm của hệ thống chính trị
Nghị quyết số 01, nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011-2015, là nghị quyết về NTM. Một Ban Chỉ đạo xây dựng NTM được lập ra, do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên và duy nhất đến nay có ban chuyên trách về NTM: Ban Xây dựng NTM. Điều đó cho thấy Quảng Ninh đánh giá cao vai trò của lĩnh vực tam nông trong phát triển KT-XH của tỉnh thế nào.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết, nhiệm vụ đặt ra như vậy, nên cả hệ thống chính trị của địa phương này vào cuộc một cách rầm rộ, và thực chất, chứ không theo kiểu phong trào.
“Dù rằng là tỉnh công nghiệp nhưng tam nông luôn được xác định là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển KT-XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Chính vì vậy, thu nhập của nông dân tăng, môi trường sống của nông dân được cải thiện, kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp, đời sống tinh thần, quan hệ xã hội ở nông thôn ngày càng tốt đẹp hơn chính là mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh”, ông Đọc cho hay.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong 5 năm qua, nhiều giải pháp đã được các huyện, TX, TP của tỉnh đề ra và triển khai quyết liệt.
Về nguồn lực, 30 nghìn tỷ đồng, gồm vốn đầu tư và các nguồn vốn lồng ghép khác, đã được giải ngân. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành khá đầy đủ hành lang pháp lý cho Chương trình xây dựng NTM như: Quyết định ban hành Bộ tiêu chí NTM mang tính đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo; quyết định hỗ trợ lãi suất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; quy định hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015; có quy chế khen thưởng phong trào thi đua xây dựng “Xã NTM - Phường, thị trấn văn hoá”.
Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là nét riêng có của Quảng Ninh, được tổ chức thực hiện theo mô hình quốc tế, có hệ thống tổ chức và mô hình đồng bộ. Bằng cách làm này, Quảng Ninh đã thực sự lôi cuốn được nông dân vào cuộc tham gia thực hiện chương trình, đưa họ trở thành chủ thể của NTM.
Trong 5 năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã ủng hộ 12.690 tấn xi măng, hơn 1,5 triệu viên gạch chỉ và 2.000m2 gạch lát nền; ủng hộ xây dựng lưới điện Cô Tô trên 205 tỷ đồng; hỗ trợ công trình với phương thức “Chìa khoá trao tay” với trên 30 công trình, tổng kinh phí trên 104 tỷ đồng; hỗ trợ giảm 10% giá các nguyên vật liệu xây dựng. Các DN cũng vào cuộc tích cực trong việc đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. |
Một trong những cách làm sáng tạo của Quảng Ninh là, mặc dù triển khai xây dựng NTM ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, nhưng việc xã hội hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần trong xã hội, được thực hiện rất tốt.
Nếu như trước đây, việc xây dựng hạ tầng cho nông thôn đều do ngân sách Nhà nước đầu tư, thì nay đã có sự góp sức không nhỏ của các DN, các thành phần kinh tế và của cả những người nông dân, chủ thể thụ hưởng chương trình.
Cũng vẫn việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, trước đây huyện, tỉnh làm chủ đầu tư, quyết định toàn bộ quy mô công trình, giám sát thi công, kiểm định chất lượng thì nay khi làm các công trình NTM, nông dân tự bầu Ban quản lý, tự họp bàn đề xuất quy mô, tiến độ công trình, vừa tham gia đóng góp kinh phí vừa trực tiếp tham gia thi công, vừa giám sát tiến độ, chất lượng...
Nhờ có được sự vào cuộc, sự đồng thuận cao của người dân nên đến nay 100% xã của Quảng Ninh đều có đường ô tô đến trung tâm xã, đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; gần 100% đường liên thôn đã cứng hoá, trên 100km kênh mương, thuỷ lợi được tu sửa, cứng hoá, đảm bảo tỷ lệ tưới chủ động trên địa bàn tỉnh, đạt 89,06% diện tích gieo trồng.
Mục tiêu là tỉnh NTM
Một trong những nguyên nhân tạo sự thành công của Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, là việc cố gắng thi đua giữa các huyện, TX, TP trong toàn tỉnh, sự góp công, góp sức của các tầng lớp nhân dân.
Người dân tích cực tham gia xây dựng NTM
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, phong trào chung tay xây dựng NTM đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong toàn tỉnh. Bộ máy chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức thống nhất.
Thực hiện phong trào “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá”, 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm; xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Phong trào đã góp phần giúp 4.779 hộ nghèo được xây mới và sửa chữa nhà ở; xây mới, sửa chữa, tu bổ 1.350 nhà sinh hoạt cộng đồng; 82% số hộ gia đình, 67% số khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá hàng năm; xây dựng 115 mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia hiệu quả chương trình phòng chống tội phạm... |
“Kết quả thi đua xây dựng NTM của Quảng Ninh đã được Trung ương đánh giá, ghi nhận là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng NTM, dẫn đầu trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc về số xã đạt chuẩn NTM.
Nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình đã được triển khai và có kết quả bước đầu, một số chỉ tiêu của tỉnh đạt được cao hơn so với toàn quốc.
Nhiều mô hình sáng tạo của Quảng Ninh đã được các tỉnh, TP tham quan, học tập kinh nghiệm như: Chương trình OCOP, xây dựng nông thôn tiên tiến; mô hình HTX kiểu mới; phong trào Quân đội chung sức xây dựng NTM”, ông Long nói.
Với quyết tâm chính trị và những biện pháp sáng tạo, hết năm 2015, tỉnh Quảng Ninh có 10/13 huyện, TX, TP cơ bản đạt tiêu chí NTM. Quảng Ninh là tỉnh thứ ba trong cả nước có huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM.
Đến nay, 100% xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn về quy hoạch và phát triển theo quy hoạch, số thôn có nhà văn hoá đảm bảo đủ điều kiện hoạt động, có hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật ngành điện, có y tế xã đạt chuẩn quốc gia, chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, có đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, đường liên thôn được cứng hoá.
Hằng năm có 80% Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể xã đạt trong sạch vững mạnh.
Tiếp tục bước cao hơn về chất để xây dựng một nông thôn hiện đại, giàu mạnh và thực sự tiên tiến, tạo nền tảng để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trong giai đoạn 2015-2020 tỉnh tập trung xây dựng nông thôn tiên tiến để đạt đến mục tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2020.