Bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM với khí thế quyết tâm, sau hơn 3 năm triển khai, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã hoàn thành 17 tiêu chí.
Với truyền thống đơn vị 2 lần Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới), lại “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên năm 2011 Thiệu Đô được huyện Thiệu Hóa chọn là một trong 6 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
Sau khi xác định mục tiêu, Thiệu Đô ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, qua hệ thống truyền thanh, các cuộc thi do các đoàn thể tổ chức, từng bước giúp người dân hiểu tường tận 19 tiêu chí, cùng chung tay góp sức đẩy nhanh tiến độ.
Xác định phát triển SX, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là giải pháp thực hiện bền vững Chương trình, hơn 3 năm qua Thiệu Đô đã phát huy lợi thế có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa truyền thống và phát triển chăn nuôi trang trại để tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi các mô hình SX từ manh mún, nhỏ lẻ sang SX hàng hóa; ứng dụng KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào SX.
Theo đó, xã xây dựng mới làng nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô với tổng diện tích 2,5 ha theo mô hình chuỗi liên kết từ SX, thu mua đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển mô hình chăn nuôi trang trại, SX phân vi sinh từ sản phẩm phụ của nông nghiệp; cơ giới hóa đồng bộ 20 ha với 110 hộ dân tham gia.
Đặc biệt, trên địa bàn xã có 2 DN đứng chân đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/người/tháng; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã đạt 12,5%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14 triệu đồng (năm 2010) lên 25 triệu đồng (năm 2014).
Chị Nguyễn Thị Linh, một hộ dân tham gia mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa, cho biết, cách đây 4-5 năm về trước SX lúa ở Thiệu Đô chủ yếu “con trâu đi trước cái cày theo sau”, nhưng 2 năm nay máy làm đất, máy cấy, máy gặt được chính quyền hỗ trợ mua sắm nhiều nên việc làm ruộng trở nên nhẹ nhàng hơn.
“Không chỉ giảm công lao động, khi đưa cơ giới hóa đồng bộ vào, năng suất, chất lượng lúa cũng tăng lên 10-12%, nhờ đó mà chúng tôi có tiền đóng góp làm đường GTNT, nhà văn hóa đạt chuẩn NTM”, chị Linh nói.
Được biết, hơn 3 năm qua xã Thiệu Đô huy động được trên 154 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước 64,35 tỷ đồng; nhân dân và con em xa quê tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất được 90 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, đường GTNT, kênh mương nội đồng được bê tông, kiên cố hoá 100%, đáp ứng nhu cầu SX và dân sinh; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%; hộ nghèo giảm còn 3,9%; an ninh, trật tự được đảm bảo.
Bà Lê Thị Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Đô, cho rằng: “Chương trình xây dựng NTM là một cuộc cách mạng trường kỳ. Tuy bước đầu bức tranh toàn cảnh của xã đã có những đổi thay, nhận thức người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực nhưng về lâu dài để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy lợi thế quỹ đất SXNN dồi dào, xây dựng các mô hình SX, chăn nuôi quy mô lớn; đồng thời, mở rộng kinh doanh dịch vụ tại các tuyến đường trung tâm, khu công nghiệp…”.
Cũng theo bà Thắm, hiện Thiệu Đô đang ưu tiên nguồn lực hoàn thành 2 tiêu chí còn lại, quyết tâm cuối năm nay cán đích NTM.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã