Đường vào xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai không còn những con đường đất gồ ghề, lầy lội như trước, thay vào đó, đường vào các thôn, bản đã được đổ bê-tông kiên cố. Bí thư Đảng ủy xã Sín Chéng Vàng A Vảng phấn khởi cho biết: Xã có chín thôn, bản, chủ yếu là bà con dân tộc Mông, đời sống còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ khi được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã đã tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về những tiêu chí và phương hướng để thực hiện. Cả hệ thống chính trị xã Sín Chéng đã vào cuộc với tinh thần chủ động, tích cực.
Với điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho phát triển sản xuất, trong tổng số 1.933 ha diện tích tự nhiên có 1.225 ha là đất sử dụng được cho sản xuất nông nghiệp, diện tích còn lại chủ yếu là núi đá và đất rừng, để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn được hỗ trợ để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, Sín Chéng huy động tốt sức dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong công tác huy động nguồn lực, ban tuyên vận xã là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân đóng góp tiền mặt và hiến đất làm đường.
Để xây dựng tuyến đường liên thôn Đập Tràn - Sín Chải, cán bộ và nhân dân thôn Sín Chải đã đóng góp tiền của, mỗi hộ ủng hộ một triệu đồng. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất mở đường như gia đình ông Ma A Náo, thôn Bản Kha hiến 520 m2 đất ruộng; gia đình ông Hầu A Giáo, thôn Mào Sao Chải hiến gần 850 m2; gia đình ông Sùng Văn Sưởng, thôn Bản Giáng tự nguyện di chuyển ngôi nhà bán kiên cố gần 70 triệu đồng và hiến nhiều ruộng đất làm đường... Đến nay, xã đã mở mới 19,1 km đường giao thông nông thôn, đổ bê-tông đường giao thông liên thôn 9,77 km, tiến hành đổ bê-tông các tuyến đường liên thôn, tuyến đường nội đồng…
Là xã đặc biệt khó khăn của một huyện nghèo thuộc diện 30a, nhưng rất ngạc nhiên vì ở Sín Chéng có ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Sín Chéng Đặng Phương Đài đưa tôi đi thăm phòng ở bán trú, bếp ăn, thư viện của trường... Từ sức dân, 74 triệu đồng của nhân dân, vật liệu xây dựng, ngày công lao động đã góp phần thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất trong các nhà trường. Gắn bó với mảnh đất này từ năm 2001, chứng kiến sự thay đổi của Sín Chéng, thầy Đài cho biết: Trước đây cả xã chỉ có một dãy lớp học cho các bậc học, đến nay toàn xã có sáu trường học với các bậc mầm non, tiểu học, THCS. Trường lớp khang trang tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số của xã có điều kiện tới trường, không còn tình trạng giáo viên phải đến từng nhà hay lên tận nương gọi học sinh đến trường như trước đây. Trường đã có nhà lưu trú cho giáo viên và học sinh bán trú dân nuôi, đến nay nhà trường đang chăm sóc 152 em nhà xa ở lại trường, cuối tuần mới về nhà.
Để gỡ khó cho vùng cao Sín Chéng trong tiêu chí thu nhập, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 22 về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, trong đó giải pháp trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân là tập trung vào chăn nuôi gia súc nhằm làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi. Khó khăn trong phát triển chăn nuôi của Si Ma Cai nói chung và Sín Chéng nói riêng là tập quán chăn nuôi lạc hậu, chủ yếu chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Bà con chủ yếu dựa vào lợi thế của địa phương, như đồng cỏ tự nhiên, chưa mạnh dạn đầu tư thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi. Từ kết quả của Đề án chăn nuôi giai đoạn 2010 - 2015, huyện tiếp tục xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020; tập trung tuyên truyền, vận động để nhân dân biết rõ về đề án, tháo gỡ những khó khăn, vận động nhân dân bỏ dần tập quán thả rông gia súc chuyển dần sang chăn nuôi nhốt.
Trong chăn nuôi, Sín Chéng là địa phương đi đầu của huyện về đổi mới phương thức chăn nuôi đại gia súc từ thả rông sang chăn nuôi nhốt kết hợp với trồng cỏ VA06, cỏ voi để làm thức ăn cho gia súc; tích cực chuyển giao, nhân rộng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến với người dân, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và quan tâm đến các biện pháp cải thiện giống; nhân rộng các giống địa phương gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu như vịt Sín Chéng, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho người dân…
Phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác được nhân dân tích cực thực hiện. Người dân sử dụng 100% giống lúa ruộng mới, 80% giống ngô cao sản thay thế ngô địa phương, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác lên 27 triệu đồng/ha. Một trong những tiêu chí quan trọng xây dựng NTM ở Sín Chéng là phát triển sản xuất theo hướng nông lâm kết hợp bền vững và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, làm hai vụ/năm, đưa vụ xuân hè làm vụ chính, phát triển mạnh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mở rộng các vùng chuyên canh tập trung, khai thác triệt để các thế mạnh của cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao của địa phương...
Có thể nói, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Sín Chéng được thực hiện đều khắp chín thôn, bản với không khí rộn ràng và khẩn trương. Chỉ sau một thời gian, xã đã hoàn thành 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với mô hình “dân vận khéo”. Đến nay, các mô hình đã phát huy hiệu quả, trong đó mô hình “đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, mô hình “dòng họ tự quản", thành lập chín đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường và hai mô hình “nhà sạch, vườn đẹp” tại các thôn, bản. Đây là kết quả của cách làm sáng tạo, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền xã, là minh chứng của cách làm “chung tay xây dựng nông thôn mới”, phù hợp với nguyện vọng của người dân và điều kiện của từng địa bàn, từ đó phát huy hiệu quả cao trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Bí thư Đảng ủy xã Sín Chéng Vàng A Vảng cho biết: Trong thời gian tới, xã tiếp tục củng cố và duy trì các tiêu chí đã đạt được; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, đặc biệt là hiến đất đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Vùng đất nghèo Sín Chéng nay đã khoác chiếc áo mới. Với những bước đi vững chắc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng bằng sự quyết tâm, đồng thuận của chính quyền và nhân dân, đích đến trong xây dựng nông thôn mới trên quê hương Sín Chéng sẽ sớm hoàn thành.
Theo NGỌC LIÊN/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã