Huyện Phù Yên, nơi có cánh đồng Mường Tấc lớn thứ 4 cả nước, tiếp tục được nhắc đến khi tạo lập được những vùng trồng cây ăn quả có múi với sản phẩm cam ngon nổi tiếng. Thế nhưng, vùng trồng cam tại một số xã của Phù Yên khi ấy chưa được mở rộng, sản phẩm làm ra chưa được người tiêu dùng cả nước biết đến, chất lượng cam chưa được khẳng định, giá bán không ổn định do bị tư thương ép giá nhiều.
Mấy năm gần đây, giá cam ở Phù Yên và đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định.
Với quyết tâm đưa cây cam trở thành nông sản mũi nhọn, huyện Phù Yên đã có nhiều giải pháp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam. Và nỗ lực đó đã được đánh dấu khi sản phẩm cam Phù Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Từ đó đến nay, huyện Phù Yên đã tăng được diện tích trồng cây ăn quả có múi lên gần 500 ha, trong đó diện tích trồng cam được quan tâm phát triển mạnh khi huyện tăng được diện tích trồng cam từ vài chục ha lên gần 248 ha.
Hiện nay, huyện Phù Yên có gần 500ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó có gần 248ha trồng cam.
Trao đổi với ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, được biết: Mấy năm gần đây, cây cam Phù Yên đã được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Bởi thực tế cho thấy, đất đai, khí hậu ở Phù Yên hoàn toàn phù hợp cho cây cam phát triển. Trong khi, sản phẩm cam được trồng ở Phù Yên có đặc điểm quả to, đều, vỏ mỏng và đặc biệt là ăn rất ngọt, thơm. Hiện nay, cam đang được trồng tập trung ở các xã: Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang với 2 loại giống là cam Vinh và cam đường canh.
“Mặc dù mới được công bố nhãn hiệu cho sản phẩm gần 1 năm nay, nhưng sản phẩm cam Phù Yên đã và đang chiếm lĩnh thị trường trong nước và đã góp mặt ở nhiều siêu thị, nhà hàng lớn của các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, những diện tích cam ở Phù Yên đã mang lại những mùa vàng cho người nông dân. Giá trị sản phẩm không những tăng lên mà còn ổn định qua từng niên vụ”-ông Phan Quý Dương, thông tin thêm.
Sản phẩm cam được trồng ở Phù Yên có đặc điểm quả to, đều, vỏ mỏng và đặc biệt là ăn rất ngọt, thơm.
Về vấn đề này, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Cam Phù Yên có thương hiệu, được chứng nhận có nghĩa là sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, để duy trì và bảo vệ thương hiệu trong tình hình thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay lại càng khó hơn. Do vậy, đòi hỏi các HTX, người sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ những điều kiện, tiêu chuẩn sản xuất khắt khe, đồng thời đưa ra những hoạch định chiến lược trong phát triển sản phẩm, tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ. Trong đó, tư duy sản xuất nông nghiệp phải đi trước một bước, thay đổi theo hướng sản xuất sạch, an toàn.
Đoàn công tác của tỉnh Sơn La kiểm tra vườn cam tại bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên.
Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên, nói: Để thương hiệu cam Phù Yên giữ vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng, đòi hỏi những nông dân phải được trải qua các lớp tập huấn, đào tạo và thực hành sản xuất. Trong quá trình canh tác, người nông dân cần phải tuân thủ nguyên tắc để cho ra đời những trái cam an toàn tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm sau thu hái cần phải được sơ chế, đóng gói bao bì, tem nhãn giúp người tiêu dùng nhận diện đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ khi truy cập mã vạch.
Trong năm 2018, Hội Nông dân huyện Phù Yên phối hợp chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi cho hàng trăm lượt hộ nông dân.
Là một trong những người trồng cam có nhiều kinh nghiệm, bà Lê Thị Nga, thôn Văn Yên (xã Mường Thải, Phù Yên), bảo: Gia đình có hơn 600 gốc cam trồng trên 1 ha đất dốc. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm cam bán rất đắt hàng. Hiện tại, cam chủ yếu bán cho các thương lái đến tận vườn thu mua hay xuất đi các siêu thị dưới Hà Nội. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng cam. Tuy nhiên, cùng với việc tăng diện tích trồng cam thì ngoài nỗ lực của người trồng cam, rất mong tỉnh, huyện tiếp tục giúp chúng tôi tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ. Do đó, việc thành lập các HTX, tổ hợp tác là rất cần thiết, tạo thành lượng hàng hóa lớn, thuận lợi trong ký kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Mỗi năm vườn cam của gia đình bà Lê Thị Nga cho thu nhập 300 triệu/năm.
“Cùng với việc quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của người nông dân thông qua các hội chợ, siêu thị, những người trồng cam chúng tôi cũng mong muốn tỉnh, huyện tăng cường hơn nữa việc quản lý chất lượng, quy trình sản xuất cam. Trong đó, cần thu hút được người trồng cam tham gia vào các HTX sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP. Có như vậy mới tránh được được việc sản phẩm cam không đảm bảo an toàn, giả thương hiệu có mặt trên thị trường, giữ vững được thương hiệu và chất lượng cho sản phẩm cam Phù Yên”-ông Nguyễn Văn Sử, Phó Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên) khẳng định.
Theo Luyện Ngọc Tuấn - Hà Hoàng/Báo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã