Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chỉnh sửa nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật, đã làm quá trình giải ngân vốn đầu tư công luôn không đạt kế hoạch và có xu hướng chậm lại trong những năm qua.
Thay mặt Chính phủ giải trình các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quá trình tổng hợp các ý kiến sửa Luật, có gần 600 ý kiến nhằm thiết kế 3 nhóm chính sách liên quan tới 18 vấn đề lớn thuộc 108 điều luật.
“Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sửa tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Căn cứ thảo luận của Quốc hội để quyết định tên gọi phù hợp. Nếu vẫn sửa nhiều thì mong Quốc hội chấp nhận đề nghị của Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.
Về quan điểm sửa Luật, Chính phủ thống nhất cần thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ , nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục, không “đẻ” ra những quy trình thủ tục mới. Tăng cường kỷ luật kỷ cương ngân sách, tăng cường hậu kiểm, đảm bảo công khai minh bạch, giám sắt chặt chẽ, có chế tài xử lý vi phạm.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để đánh giá, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết trong dự thảo.
Về một số vấn đề cụ thể, như Luật hiện hành quy định chi tiết sử dụng chi đầu tư phát triển trong NSNN, trong khi các khoản chi của đơn vị sự nghiệp không nằm trong cân đối NSNN, Phó Thủ tướng đồng tình với đại biểu khi cho rằng điều này tạo ra bất cập, có những sửa chữa nhỏ, vài trăm triệu cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục như đầu tư công. Dự thảo Luật mới không bỏ nội dung này nhằm bảo đảm nguyên tắc chi NSNN nhưng sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc chung để vừa chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi trong đơn vị thực hiện.
Về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Phó Thủ tướng đồng tình với một số đại biểu khi cho rằng tổng mức đầu tư không đồng nghĩa với vốn nhà nước nằm trong dự án.
“Các dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, có một phần vốn Trung ương cũng ngày càng nhiều lên, hơn nữa dự án Luật này được sửa đổi là cho một thời gian dài, chứ không chỉ vài ba năm”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến, đồng thời cũng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu tiêu chí, căn cứ xác định mức vốn nhà nước trong dự án đầu tư… để có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định, vừa đảm bảo thẩm quyền Quốc hội, vừa đảm bảo linh động trong tổ chức thực hiện.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND, UBND các cấp, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đồng thời đề nghị dự thảo Luật thống nhất quy định cả thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh để quyết định đầu tư dự án đột xuất nhưng có tính quan trọng.
BD (T/h)/http://tapchitaichinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã