Gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi
Hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong thực thi Luật Đầu tư công đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, từ đó lên kế hoạch sửa đổi, nhằm tạo thuận lợi trong triển khai các dự án, tăng cường giải ngân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với việc sửa đổi Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công được kỳ vọng sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả hơn. Ảnh: Đức Thanh |
Theo bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những nội dung được tập trung sửa đổi lần này là các quy định liên quan đến việc phân loại dự án đầu tư công, trình tự, thủ tục đầu tư… Chẳng hạn, theo quy định trước đây, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia được định mức ở con số từ 10.000 tỷ đồng, nhưng nay, được đề xuất nâng lên 30.000 tỷ đồng.
“Nâng lên mức 30.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,6% GDP theo giá hiện hành là phù hợp với tiến trình phát triển của nền kinh tế, mặt khác cũng tạo sự chủ động hơn cho Chính phủ đối với những dự án quy mô lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng”, bà Nghĩa nói.
Tương tự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất sửa đổi một loạt quy trình, thủ tục khác. Ví dụ, với thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, rất nhiều bộ, ngành, địa phương than phiền chuyện có quá nhiều thủ tục bất cập, do hầu hết các dự án đều phải gửi hồ sơ về Trung ương để thẩm định, làm mất nhiều thời gian và gây lúng túng do có tình trạng vòng luẩn quẩn, hay còn gọi là tình trạng “con gà, quả trứng”; nhiều dự án nguồn vốn đã rõ ràng, nhưng vẫn phải thực hiện thẩm định nguồn vốn, mang tính hình thức, không thực chất...
Để “gỡ rối” tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chỉ thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở cấp Trung ương đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án khác, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được lồng ghép vào thủ tục thẩm định dự án.
“Đối với quy trình này, do nội dung sửa đổi liên quan đến công tác kế hoạch đã chuyển sang cách tiếp cận có kế hoạch vốn trước, triển khai xây dựng dự án sau, nên cơ bản khắc phục được tình trạng ‘con gà, quả trứng’, đồng thời các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng dễ triển khai thực hiện, do đã biết rõ số vốn mình có được để thẩm định”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Một đề xuất sửa đổi quan trọng khác có liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư. Thực tế, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhưng Luật lại không quy định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư dự án trong quyết định chủ trương đầu tư. Điều này dẫn tới lúng túng trong triển khai thực hiện.
Để khắc phục bất cập này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bổ sung Điều 35 về điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng tổ chức, cá nhân nào quyết định chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư làm tăng quy mô, thay đổi phân loại chương trình, dự án, thì cấp có thẩm quyền tương ứng với phân loại chương trình, dự án sau điều chỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đó phù hợp với các quy định tại Điều 17 của Luật.
“Thực hiện như vậy là không phức tạp do trình tự, thủ tục đã được cải tiến nhiều, đã đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhưng mặt khác, vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, tránh được tình trạng phê duyệt điều chỉnh một cách tùy tiện”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Nhưng không quên “gác cổng”
Bình luận về các đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đã bày tỏ sự đồng tình. “Nhìn chung trên thế giới, thủ tục đầu tư công là không đơn giản. Chúng ta không sợ những thủ tục đúng, mà chỉ cần tránh những thủ tục rườm rà. Tạo thuận lợi, nhưng vẫn phải quan tâm đến cơ chế gác cổng của các cơ quan quản lý nhà nước, để đảm bảo hiệu quả đầu tư công”, vị này nói.
Thông tin từ ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới (WB), hiệu quả đầu tư công của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với khu vực ASEAN. Cải thiện thủ tục, nhưng theo đề xuất của WB, quan trọng không kém là khâu thực thi. Bởi không ít trường hợp thủ tục đúng, nhưng triển khai lại sai. Ví dụ, quy định là sau 30 ngày, cơ quan nhà nước phải có kết luận, nhưng đến ngày thứ 29, cán bộ quản lý mới thông báo thiếu giấy tờ, thủ tục, thì để hoàn thành, có khi phải mất tới 60 - 90 ngày.
“Phân cấp theo xu thế là đúng, nhưng cũng không nên phân cấp đơn giản, thuần túy theo quy mô dự án, mà phải theo chức năng quản lý, để tránh tình trạng manh mún”, vị này nói.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho rằng, dù những mục tiêu lớn, quan trọng khi xây dựng Luật Đầu tư đã đạt được, khắc phục được tình trạng manh mún, kém hiệu quả, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, quá nhiều dự án khởi công mới…, nhưng những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật đã phát sinh, nên phải sửa Luật.
“Giải quyết mâu thuẫn quản lý đầu tư công và nhu cầu phát triển là rất khó khăn, nhưng chúng ta buộc phải làm, vì lợi ích của quốc gia, phải làm sao thúc đẩy giải ngân nhanh, nhưng đồng thời vẫn quản lý chặt và nâng cao hiệu quả sử dụng dòng vốn này”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã