Thực trạng ngành chăn nuôi Việt Nam
Thực trạng của ngành chăn nuôi Việt Nam nằm ở 8 nhóm vấn đề sau:
Một là hiện nay tại Việt Nam quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, sản xuất còn manh mún, tự phát. Hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, sản xuất còn manh mún, tự phát. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) sử dụng đơn vị gia súc LU (1 LU tương đương 500kg lợn hơi/năm) để xác định quy mô hộ chăn nuôi. Nếu quy mô <20LU được xếp là hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, theo tiêu chí này thì ở Việt Nam hộ quy mô nhỏ lẻ là hộ nuôi thấp hơn: 55 bò thịt/hộ, hay 110 lợn thịt/hộ, hoặc 4.000 gà mái đẻ hoặc 5.000 gà thịt/hộ/năm. Tiêu chí này cao hơn trên chục lần so với quy định về hộ chăn nuôi quy mô nhỏ ở Việt Nam. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy: Trong số 4.131,6 ngàn hộ nuôi lợn thì số hộ nuôi quy mô nhỏ (<10 lợn/hộ) chiếm tới 86,4% tổng số hộ, nhưng chỉ sản xuất 34,2% tổng sản lượng thịt lợn. Còn về gia cầm: tổng số 7.864,7 ngàn hộ, số hộ nuôi quy mô (< 100 con gia cầm/hộ) chiếm tới 89,62%, nhưng chỉ sản xuất 30% tổng sản lượng thịt gia cầm. Thực tiễn đã chứng minh, chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ thường chịu rủi ro rất cao về dịch bệnh do ít chủ động phòng chống và hiệu quả kinh tế thấp.
Ông Đoàn Xuân Trúc phát biểu tại hội thảo Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập ASEAN và TPP (Ảnh NTV) |
Chăn nuôi trang trại còn khiêm tốn về quy mô và mức đầu tư, tỷ lệ công nghệ cao thấp. Điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2013 cả nước chỉ có 9.026 trang trại chăn nuôi (bằng 38,72 tổng số trang trại nông nghiệp), 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ có nhiều trang trại nhất (tương ứng có 3.709 và 2.204 trang trại). Thực tế đây chỉ là thống kê trên số trang trại có báo cáo doanh thu theo hóa đơn, chứng từ, vì còn khá nhiều trang trại chăn nuôi không có báo cáo doanh thu hàng năm, nên không được đưa vào báo cáo của Tổng cục Thống kê. Ví dụ vùng Đông Nam bộ, riêng tỉnh Đồng Nai năm 2014 đã có 2.675 trang trại, vùng Đồng bằng sông Hồng, riêng Hà Nội đã có 1.403 trang trại. Theo ước tính của Hội Chăn nuôi Việt Nam cả nước hiện có khoảng 20.000 trang trại chăn nuôi.
Theo thống kê đến thời điểm 2013 có 393 doanh nghiệp chăn nuôi (kể cả doanh nghiệp kinh doanh kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, hay tham gia làm dịch vụ chăn nuôi), chiếm 23,1% tổng số doanh nghiệp ngành nông lâm thủy sản.
Hai là năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động thấp, giá thành cao.Theo công bố trên Tạp chí Pig International số 7 và 8 năm 2013: các năm 2011 và 2012 Việt Nam đều đứng ở vị trí thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) trong TOP 20 các nước nuôi nhiều lợn nái nhất thế giới. Nhưng sản lượng thịt lợn sản xuất năm 2011 chỉ đứng ở vị trí thứ 8, và năm 2012 ở vị trí thứ 7 (sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brazil, Nga). Năng suất sinh sản của đàn lợn nái của ta đứng vị trí cuối cùng trong TOP 20. Trong khi nhiều nước Âu, Mỹ, Thái Lan, Trung quốc chỉ tiêu số lợn cai sữa/nái/năm đạt 24 – 26 con, riêng Đan Mạch 31-33 con, còn ở VN chỉ 17 – 20 con.
Chăn nuôi ở Việt Nam đang có năng suất lao động quá thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động còn ở Việt Nam là trên 20 người.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, qua nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng quá cao… làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp. Theo điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25 - 30% so với ở Việt Nam, giá thành 1kg thịt (carcass) bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ) sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi tân đáo, giết mổ, lãi vay ngân hàng… là khoảng 170.000 đồng – 180.000đồng/kg, trong khi đó bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000đồng/kg, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc.
Ba là đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài. Theo Cục Chăn nuôi, hầu hết các giống bò, lợn, gia cầm cao sản nước ta đều phải nhập từ Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Hà Lan, Anh, Đan Mạch… Năm 2014, Việt Nam đã nhập 11,7 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (trong đó có 5,368 triệu tấn thức ăn giàu đạm, 5,913 triệu tấn nguyên liệu giàu năng lượng và gần 400 tấn nguyên liệu thức ăn bổ sung). Kim ngạch nhập khẩu là 4,8 tỷ USD. Thời gian gần đây, nước ta phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như: khô dầu đậu tương, bột thịt-xương, bột cá; riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập 100%.
Theo Liên minh Nông nghiệp, hiện nay 80% các loại vacxin được phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới.
Bốn là quá ít cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi còn yếu và thiếu, quản lý chất lượng thực phẩm còn nhiều hạn chế. Theo điều tra của Liên minh Nông nghiệp, hiện nay hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ, mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm thấp đang cung cấp ra thị trường gần 70% sản phẩm thịt. Trong khi đó, chăn nuôi thương mại quy mô lớn, công nghệ hiện đại, an toàn thực phẩm cao chỉ mới cung cấp trên 15% lượng thịt cho tiêu dùng. Công nghệ chế biến bảo quản thịt sau giết mổ còn yếu, các phương tiện vận chuyển thịt sau giết mổ và các quầy bán thịt, sản phẩm chăn nuôi tại chợ đa số chưa đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm là liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi còn yếu, mới chỉ dừng ở các mô hình, hoạt động kém hiệu quả do thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển và các đối tác trong liên kết chưa thực sự hợp tác, chia sẻ. Do vậy, chưa giảm bớt được các khâu trung gian, đẩy giá thành chăn nuôi tăng.
Sáu là nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cẫn còn cao, kiểm dịch sản phẩm nhập lậu qua biên giới vẫn sơ hở, bỏ sót. Thách thức này góp phần làm tăng chi phí sản xuất, tạo bất ổn cho thị trường tiêu thụ, làm mất cơ hội để xuất khẩu đối với một số mặt hàng chăn nuôi có lợi thế, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Bảy là công tác quy hoạch chăn nuôi ở nhiều địa phương rất khó khăn do thiếu quỹ đất. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi thực hiện chậm.
Cuối cùng là thiếu thông tin về hội nhập kinh tế ở nhiều địa phương và nhiều doanh nghiệp, trang trại…
Đến nay, 9/14 Hiệp định FTA đã ký kết có hiệu lực thực hiện, lộ trình đàm phán TPP đã đến giai đoạn cuối, nhiều luật chơi mới khi hội nhập sâu đã bắt đầu có hiệu lực. Song, trừ một số doanh nghiệp lớn nắm bắt được thông tin và đang lo cách đối phó, còn theo điều tra của Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội: 80% số doanh nghiệp được hỏi đến đều rất thờ ơ, không hề quan tâm tới hội nhập. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thiếu hẳn các kiến thức để hội nhập. Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện khảo sát trên gần 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Kết quả cho thấy có 60% doanh nghiệp Việt không biết gì về những nội dung cơ bản của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Lẽ ra các cơ quan quản lý cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, với hiệp hội doanh nghiệp để hiểu biết cần chuẩn bị gì khi hội nhập.
Tác động của hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi
Tác động trực tiếp và gay gắt nhất chính là việc giảm các dòng thuế theo lộ trình đã cam kết, tạo cơ hội ngày càng tăng đối với việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta do có lợi thế về giá, về an toàn thực phẩm, trực tiếp cản trở sản xuất chăn nuôi trong nước, dễ tạo tình trạng cạnh tranh không cân sức và người thiệt thòi vẫn luôn là chăn nuôi trong nước.
Tác động của hội nhập có thể thu hút nguồn nhân lực có chất lượng của ngành chăn nuôi (cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân có trình độ, kinh nghiệm) sang làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về chăn nuôi tại Việt Nam và làm việc tại các nước đối tác trong khối FTA. Đây cũng là một bất lợi cho ngành chăn nuôi trong quá trình hội nhập. Song có thể hạn chế tác động này thông qua cơ chế ràng buộc khi đào tạo và quan tâm tới thu nhập cho người lao động.
Ngoài những tác động bất lợi, thì hội nhập kinh tế cũng tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi khi được tiếp cận với công nghệ mới, giống mới, sản phẩm mới, phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến. Đầu vào của ngành chăn nuôi như con giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị, thuốc thú y,… sẽ giảm do bỏ hàng rào thuế quan. Hội nhập kinh tế cũng tạo áp lực buộc ngành chăn nuôi phải đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi cách làm để có khả năng tham gia hội nhập và phát triển bền vững. Đây là tác động có lợi mà chúng ta phải tận dụng tối đa.
Tham gia TPP và các FTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI. Cơ quan quản lý chăn nuôi cả ở cấp trung ương lẫn ở cấp địa phương và toàn bộ các tổ chức, các doanh nghiệp, trang trại và kể cả hộ chăn nuôi đều phải thay đổi tư duy; đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý và phương thức sản xuất để tham gia hội nhập. Hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi nước ta sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi công nghệ cao.
Giải pháp để phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Cần cân đối lại cơ cấu vật nuôi, phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, tăng năng suất vật nuôi, hạ giá thành và tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại và chăn nuôi an toàn sinh học. Sản xuất chăn nuôi theo kế hoạch, quy hoạch và gắn với thị trường tiêu thụ. Nhanh chóng củng cố và làm tốt khâu giống vật nuôi theo hệ thống giống 4 cấp, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Tạo hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật để quản lý giống vật nuôi. Tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi, lựa chọn hình thức liên kết phù hợp và hiệu quả. Liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, hạn chế nguy cơ dịch bệnh và có điều kiện khi cần vay vốn ngân hàng.
Quản lý tốt việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, đảm bảo chất lượng như công bố với giá bán hợp lý và không sử dụng các chất cấm. Đối với các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn và có điều kiện nên khuyến khích tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, góp phần hạ giá thành.Chủ động khống chế dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và kiểm tra chặt chẽ sản phẩm nhập lậu qua biên giới. Xây dựng thành công vùng chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn dịch bệnh đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT quy hoạch.
Có chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi gồm cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Chú trọng đào tạo đội ngũ trại trưởng và cán bộ làm công tác thị trường và xúc tiến thương mại. Thu hút đầu tư trong ngành chăn nuôi từ doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời khuyến khích đầu tư vào các khâu: xử lý môi trường trong chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến và bảo quản sản phẩm, nhập giống có năng suất, chất lượng cao, chọn tạo nguồn giống trong nước và khuyến khích đầu tư công nghệ cao trong chăn nuôi.
Có chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về các cam kết của Việt Nam trong WTO và các Hiệp định thương mại (FTA). Đánh giá tác động của AEC và TPP với ngành chăn nuôi từ đó có các giải pháp chủ động hội nhập kinh tế. Củng cố tổ chức, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước ngành chăn nuôi từ trung ương tới các địa phương, đảm bảo đủ sức đưa ngành chăn nuôi hội nhập theo hướng phát triển bền vững.
Theo: tonghoinn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã