Theo các chuyên gia, việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng. TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Bên cạnh mục tiêu tái cơ cấu 3 lĩnh vực là tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tái cấu trúc đầu tư công thì cần phải đặt trọng tâm cấp bách vào mục tiêu tái cấu trúc lĩnh vực nông nghiệp.
Bởi theo ông Doanh, nông nghiệp sau nhiều năm phát triển tốt, là trụ cột bảo đảm an toàn lương thực, đóng góp tốt cho xuất khẩu, thì hiện nay tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, đời sống người nông dân cũng như đầu ra của nông nghiệp đều gặp khó khăn. “Để thực hiện các nhiệm vụ đó cần phải chọn ra các nhiệm vụ trọng điểm. Tôi nhớ lại thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi thực hiện đường dây 500KV, ông đã chỉ đạo ngày đêm, đến tận công trường, chỉ đạo quyết liệt. Tôi nghĩ vấn đề tái cấu trúc hiện nay còn phức tạp hơn vấn đề 500KV...” - ông Doanh nhấn mạnh.
Trong tình hình đó, theo ông Doanh, cần phải tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên báo cáo với Chính phủ, với nhân dân tiến độ thực hiện… Nếu làm được như vậy, niềm tin sẽ được khôi phục và Việt Nam sẽ thực hiện được chuyển đổi mô hình tăng trưởng có hiệu quả, tăng trưởng bền vững, đảm bảo mọi người đều được tham gia vào tăng trưởng kinh tế. Từ người nông dân đến người lao động đều được hưởng lợi thì tăng trưởng đó mới bền vững được.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng cho rằng: Việc tái cấu trúc doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước là hết sức cần thiết; trong đó cần tập trung tái cấu trúc cả nền nông nghiệp. Chúng ta có nguồn lực rất lớn từ một nền kinh tế nông nghiệp nhưng lại chưa phát huy được những lợi thế đó.