Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh đã có 15 xã và 1 bản được công nhận đạt chuẩn NTM; 3 xã gồm Đông Văn (huyện Đông Sơn), Định Tường (Yên Định) và Phú Lộc (Hậu Lộc) đang hoàn thiện thủ tục chờ thẩm định đạt chuẩn. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của hộ dân, trong 3 năm qua đã có 71 mô hình phát triển SX với 1.324 hộ tham gia được hình thành, phát triển bền vững.
Một số mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trang trại chăn nuôi ở xã Quý Lộc (Yên Định), Nga An (Nga Sơn); SX giống cá nước ngọt ở Quảng Tân (Quảng Xương); cơ giới hóa đồng bộ ở Xuân Giang (Thọ Xuân); trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân ở Hoằng Thắng (Hoằng Hóa)…, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người từ 12,8 triệu đồng/năm lên 21,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 11,34% xuống còn 4,44%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 90,7% lên 95,7%.
Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: Xây dựng NTM không được chạy theo thành tích
Chị Nguyễn Thị An, xã Phú Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết, gia đình chị làm 3 sào ớt xuất khẩu, mỗi năm cho thu nhập bình quân 25-30 triệu đồng. “Trước đây diện tích đất này bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nhưng sau khi được HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc tập huấn kỹ thuật trồng ớt và hợp đồng với các DN bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi, lúc này đời sống nông dân mới thực sự khởi sắc, có của ăn của để”, chị An phấn khởi nói.
Bên cạnh tập trung phát triển SX, nâng cao thu nhập, 3 năm qua các xã đạt chuẩn NTM cũng đã huy động hơn 1.880 tỷ đồng đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 408 km đường GTNT; 156 km kênh mương nội đồng; 134 phòng học các cấp; 13 trạm y tế xã; 124 nhà văn hóa xã, thôn; huy động nhân dân đóng góp 2.750 ngày công lao động; hiến gần 11,2 ha đất… để hoàn thiện các công trình công cộng.
Xây dựng NTM phải bền vững
Đúng như ý nghĩa của buổi tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều khẳng định, xây dựng NTM là một cuộc cách mạng nhằm đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình cũng phải có lộ trình chặt chẽ, tránh tình trạng “đô thị hóa nông thôn”.
Ông Nguyễn Viết Xuân, Bí thư Huyện ủy Quảng Xương, cho hay: “Hiện nay nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM đã khá sâu sắc. Vì thế, chúng ta chỉ cần duy trì sự đồng thuận từ cán bộ đến dân; đồng thời, phát động sâu rộng các phong trào thì chắc chắn chương trình sẽ thành công”.
Cùng chung quan điểm như ông Xuân, Bí thư Huyện ủy huyện Thọ Xuân Lê Công Minh cũng cho rằng: “Tiếp tục xây dựng NTM là một việc làm cần thiết, dù tỉnh không chỉ đạo thì huyện, xã vẫn sẽ làm, bởi từ khi bắt tay làm NTM đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn đã chuyển biến rõ nét, tích cực”.
“Tuy nhiên, để chương trình phát triển bền vững thì cấp ủy đảng phải vào cuộc quyết liệt hơn; phải xã hội hóa nguồn lực; dồn điền đổi thửa ruộng đất; cân đối nguồn lực ngân sách và sức đóng góp của dân”, ông Minh nhấn mạnh.
Trưởng BCĐ xây dựng NTM hai huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số xã đạt chuẩn NTM cũng khẳng định, việc triển khai xây dựng NTM ở cả xã và thôn là rất phù hợp, bởi Thanh Hóa là tỉnh đông dân, nhiều địa phương còn khó khăn nên việc áp đặt, cứng nhắc theo các tiêu chí sẽ rất khó làm. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, cần phải ưu tiên phát triển SX, nâng cao thu nhập và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trước khi thống nhất các giải pháp đảm bảo xây dựng NTM bền vững, tại buổi tọa đàm, ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM Thanh Hóa đã đặt ra những băn khoăn trong quá trình thực hiện Chương trình như: Vấn đề huy động sức dân chiếm đến 50-60% liệu có nặng quá? Công tác dồn điền đổi thửa chưa thực sự mang lại hiệu quả? Có hay không việc bán đất để lấy tiền đầu tư xây dựng cơ bản? Đang có dấu hiệu một số địa phương chạy theo thành tích? Hay thu nhập bình quân đầu người tuy có tăng lên so với trước đây nhưng vẫn còn thấp so với mức sống hiện nay…
Phát triển SX là giải pháp cơ bản để xây dựng NTM bền vững
Những trăn trở của ông Ninh một lần nữa thể hiện quyết tâm của Thanh Hóa trong việc phấn đấu đến năm 2030 đạt tỉnh NTM.
Qua tham khảo ý kiến của các đại biểu, ông Mai Văn Ninh khẳng định, xây dựng NTM là một chương trình rất vất vả, nhưng sự cố gắng, quyết tâm của huyện, xã để đạt được kết quả như ngày hôm nay là rất đáng tuyên dương, khích lệ.
“Xây dựng NTM không thể chần chừ, do dự, càng không được ngại khó ngại khổ, trông chờ cấp trên. Nhưng cũng không vì thế mà chạy theo thành tích. Cái cốt lõi nhất của Chương trình là nâng cao thu nhập vì vậy phải ưu tiên số một cho phát triển SX, cái gì dễ, ít tiền làm trước, cái khó, nhiều tiền làm sau”, ông Ninh nói.
Cũng theo ông Ninh, dù không đặt nặng vấn đề khi nào Thanh Hóa hoàn thành NTM nhưng trong 5 năm tới đây thì phải đặt mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Cụ thể nhóm 117 xã điểm, phải hoàn thành từ 3-5 tiêu chí/năm, các xã còn lại tăng 1-2 tiêu chí/năm.
Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, muốn bền vững thì phải củng cố vững chắc đội ngũ cán bộ; tạo được tính dân chủ thực sự; nghiên cứu tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ KHKT cho cán bộ, đảng viên, bởi lâu nay đảng viên mới chỉ học đường lối, chủ trương chứ chưa được học cách làm giàu. “Nếu hộ đảng viên không biết cách làm kinh tế thì làm sao dẫn dắt, khuyến khích quần chúng làm giàu được”, ông Mai Văn Ninh nhấn mạnh.
Riêng phát triển SX, những xã đang trồng cây hàng hóa xuất khẩu, có thị trường ổn định thì tập trung giữ vững thị trường để đảm bảo thu nhập cho bà con; các địa phương có khả năng SX nhưng chưa có thị trường ổn định thì xã, huyện phải là cầu nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT, tìm kiếm ngành nghề, cây, con mới đưa vào SX; đa dạng hóa ngành nghề trong một gia đình…
Thanh Nga
Nguồn nongnghiep.vn
“Tôi mừng và phấn khởi trước những kết quả Thanh Hóa đạt được trong 3 năm qua. Chương trình xây dựng NTM đã đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của người dân. Thành công này khẳng định sự đồng thuận giữa cán bộ và quần chúng đã có bước tiến rất lớn, đây chính là trường học thực tiến để các địa phương học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Việc làm cần thiết nhất hiện nay để NTM thực sự bền vững là thúc đẩy phát triển SX; xây dựng cơ chế quản lý thích hợp về các tiên chí điện, đường, trường, trạm… Đồng thời, phát động phong trào làm NTM đến các thôn, bản miền núi góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo”, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã