Nhìn lại bức tranh phát triển HTX trên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2018, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường cho rằng tuy khu vực HTX nói chung có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn về xúc tiến thương mại, công nghệ, đất đai…
Đặc biệt, "điểm nghẽn" HTX đói vốn và thực trạng các nguồn vốn tín dụng cho HTX sản xuất kinh doanh thiếu trầm trọng.
Nguyên nhân HTX đói vốn
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường, nguyên nhân HTX khó vay vốn đến từ hai phía. Về phía HTX, phổ biến là thiếu phương án, thiếu dự án vay vốn khả thi, còn tài sản thế chấp không có, HTX quy mô nhỏ lại nghèo nên thiếu vốn đối ứng…
Về phía ngân hàng, nguyên nhân rõ nhất là tư tưởng mặc cảm HTX kiểu cũ, thiếu niềm tin HTX. Bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, mục tiêu chủ yếu hoạt động phải bảo toàn vốn cho vay.
Trong khi rất khó, hay không thể tiếp cận vốn từ hệ thống các ngân hàng thương mại, các HTX trông đợi nhiều các nguồn khác, như Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Thế nhưng, hoạt động của các quỹ vốn này cũng không dễ dàng.
Toàn quốc hiện có khoảng 20.000 HTX, hơn 93.000 tổ hợp tác (THT) và gần 60 Liên hiệp HTX. Vậy mà chỉ khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn tự xoay sở.
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, cả nước đang có 48 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, nhưng vốn điều lệ mới chỉ đạt trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng, chủ yếu là quy mô nhỏ, lớn nhất là 2 quỹ ở Tp.HCM và Hà Nội.
Hiện có tới 50% số quỹ HTX có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có quỹ vốn điều lệ chỉ 1 - 2 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được từ thị trường.
Nhiều HTX không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh do thiếu tài sản bảo đảm. Với những dự án đầu tư khả thi, phần lớn vẫn phải nhờ hỗ trợ của Liên minh HTX các cấp.
Với bề dày kinh nghiệm trợ vốn HTX nhiều năm qua, ông Trần Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố kiêm Giám đốc Quỹ trợ vốn HTX Tp.HCM, đã nói: "HTX không có tài sản thế chấp, nếu chúng ta cứ khăng khăng buộc phải có tài sản thế chấp thì không khác gì ngân hàng".
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường thảo luận giải pháp vốn vay cho HTX trên Truyền hình Quốc hội |
Giải pháp Quỹ Hỗ trợ HTX
Ông Hưng cho rằng vì thiếu điều kiện vay vốn ưu đãi, thiếu vốn, khiến không ít HTX kiểu mới hoạt động khó khăn. Nhiều dự án sản xuất không thể triển khai khi nguồn vốn "hạn hẹp", nên cũng chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí giải thể.
Triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ vốn thúc đẩy sản xuất cho các HTX là nỗ lực của các cơ quan quản lý trong nhiều năm qua.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: "Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và hệ thống các quỹ này ở các địa phương phải trở thành kênh vốn rất quan trọng cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho HTX. Giải pháp đặt ra hiện nay là đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX…".
Cần xây dựng hệ thống liên kết giữa Quỹ Trung ương và các Quỹ địa phương theo hướng Quỹ Trung ương là đầu mối hướng dẫn, tư vấn và phối hợp cùng Quỹ địa phương triển khai hỗ trợ vốn cho các HTX theo các hình thức khác nhau như hợp vốn đồng tài trợ, ủy thác... Các chính sách tín dụng cho HTX cũng cần phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất chung.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường khái quát lại tổng thể 4 giải pháp vừa phát triển HTX, vừa tháo gỡ cái khó HTX đói vốn.
Thứ nhất, nâng cao năng lực HTX tiếp cận vốn vay. Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương và của vùng miền. Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi các thiết chế pháp lý hỗ trợ tín dụng HTX theo hướng mở tạo thuận lợi cho HTX. Thứ tư, tăng cường xúc tiến hợp tác đầu tư, đẩy mạnh liên kết HTX - HTX, HTX - DN trong và ngoài nước, từ đó huy động vốn phát triển HTX.
Để khơi thông "điểm nghẽn" vốn vay cho HTX, các nhà quản lý và chuyên gia HTX đều cho rằng cùng với đổi mới hệ thống Quỹ Hỗ trợ HTX, điều quan trọng là ngành ngân hàng cần đồng hành, chia sẻ với các HTX, nhất là HTX nông nghiệp, qua đó sớm cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã ban hành, nhằm phát triển mạnh mẽ mô hình HTX kiểu mới, bảo đảm cho dòng vốn đến được đúng địa chỉ và sử dụng đúng mục đích.
Đó chính là bài toán phải tập trung giải quyết của ngành ngân hàng cũng như cơ quan quản lý trước hàng triệu thành viên HTX cả nước.
Lưu Đoàn
http://thoibaokinhdoanh.vn