Dạo qua các đại lý, salon bán ô tô tại Hà Nội những ngày sau Tết nguyên đán, chỉ thấy một không khí vắng lặng bao trùm, khách xem xe không một bóng.
Không chỉ sau Tết nguyên đán không khí vắng lặng mới bao trùm các cửa hàng ôtô mà ngay từ 1/1/2012 khi lệ phí trước bạ tại Hà Nội tăng lên 20% và phí cấp biển số xe tăng lên 20 triệu đồng thì thị trường ôtô được cho là đã bước vào giai đoạn đóng băng.
Tháng 1/2012 vừa qua là thời điểm nhiều DN ô tô như Renault, BMW, GM Việt Nam, Trường hải - Kia, Vina Mazda... tung ra chương trình hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách mua xe từ 30-50%, giảm giá xe... nhưng khi được hỏi thì câu trả lời của các DN đều giống nhau là tiêu thụ xe giảm mạnh.
Thống kê từ một số DN ôtô cho thấy, GM Việt Nam cả tháng 1/2012 chỉ bán được khoảng 550 xe, trong khi tháng 12/2011 bán được 1.127xe; Ford Việt Nam tháng 1/2012 cũng chỉ bán được khoảng 500 xe, trong khi tháng 12/2011 năm được 1.100 xe. Toyota Việt Nam tháng 1/2012 bán được 1.520 xe, trong khi tháng 12/2011 bán được 2.574 xe. Dựa trên con số này có thể nhận thấy các DN ôtô trong nước đã giảm từ 40% đến trên 50% doanh số.
Tại các đại lý bán xe trong nước nếu như vào giữa tháng 12/2011 khi lệ phí trước bạ chưa tăng, mỗi chiếc xe Toyota muốn lấy ngay phải chi thêm từ 20-40 triệu đồng để mua 1 bộ phụ kiện, thì nay không còn tình trạng này mà ngược lại nay mỗi xe có thể giảm giá tới trên 20 triệu đồng.
Xe nhập khẩu cũng trong tình trạng ế ẩm tương tự. Từ đầu tháng 1/2012 hầu như xe không tiêu thụ được, cho dù các cửa hàng đã giảm giá xe tới hàng nghìn USD/chiếc. Bộ Công thương cho biết ôtô nằm trong diện giảm mạnh kim ngạch nhập khẩu trong tháng 1/2012. Tháng 1/2012 nhóm phương tiện giao thông và phụ tùng có kim ngạch nhập khẩu giảm tới 94%. Trong 3 tháng cuối năm 2011 nhập khẩu ôtô đã giảm mạnh, mỗi tháng ở mức 2.500-3.000 xe/tháng với kim ngạch chừng 45- 50 triệu USD/tháng, nay với kim ngạch tiếp tục giảm mạnh, ước tính lượng xe nhập khẩu cũng giảm ở mức 50%.
Ngoài lý do là không khí Tết vẫn còn nên chưa ai nghĩ đến việc tìm mua xe trong thời gian này và tháng 1/2012 có nhiều ngày nghỉ nên lượng xe tiêu thụ giảm, thì lý do chính làm nhiều đại lý, salon ôtô lo lắng chính là lệ phí trước bạ và phí cấp biển tăng quá cao. Đây là nguyên nhân khiến tiêu thụ ôtô giảm mạnh và kéo dài.
Tìng hình kinh doanh ôtô năm năm 2012 được cho là rất khó khăn. Ngoài phí tăng, thì tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng hiện ở mức 23%/năm là quá cao và một số ngân hàng còn hạn chế giải ngân cho các hợp đồng mua xe. Điều này sẽ khiến nhiều khách hàng dù có nhu cầu cũng không đủ khả năng để mua xe mới trong thời gian tới.
Trước đây các ngân hàng tìm đến đại lý để nhờ đại lý giới thiệu khách hàng mua xe cần vay vốn, còn bây giờ thì ngược lại, đại lý phải tìm đến ngân hàng để giúp khách hàng có thể vay vốn, giám đốc một DN phân phối xe Toyota tại Hà Nội nói.
Ông Akito Tachibana Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho biết: Trước tình hình thị trường ôtô đang giảm sút, việc tăng thuế trước bạ tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác áp dụng từ ngày 1/1/2012 chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường ôtô trong nước vốn phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng các thành phố lớn này.
"Tôi cho rằng, những khó khăn của năm 2011 sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng hệ lụy trong năm 2012. Bên cạnh đó, các yếu tố và chính sách kinh tế như: sự suy giảm kinh tế, sự thắt chặt của chính sách tiền tệ, tăng tỷ giá... cũng vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường ôtô năm 2012", ông này nhận định.
Vì vậy, thị trường ôtô 2012 có thể sẽ còn nhiều khó khăn và tăng trưởng thấp, không có sự đột biến, doanh số của DN thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) năm 2012 ước tính tiếp tục giảm khoảng 20%.
Trao đổi với một số DN ôtô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI), họ cho biết, nếu tiêu thụ khó khăn họ sẽ phải tính đến phương án giảm sản xuất và cắt giảm nhân công. Hiện 18 thành viên của VAMA tạo ra trên 60.000 việc làm ( tính cả nhân công của các DN cung cấp linh kiện tại Việt Nam và các đại lý bán xe).
Nếu lượng xe tiêu thụ giảm mạnh và kéo dài, các DN bắt buộc phải giảm sản xuất, những nhân lực dư thừa sẽ bị cắt giảm và nó sẽ tác động dây chuyền đến các nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam cũng như các đại lý bán hàng - ông Phạm Anh Tuấn, thư ký VAMA cho biết. Những lao động thời vụ được xem là thiệt thòi nhất bởi đây là đối tượng đầu tiên được đưa ra xem xét cắt giảm.
Các phân tích cho thấy vào năm 2008 khi kinh tế thế giới khủng hoảng tác động đến Việt Nam, tiêu thụ giảm, thì nhiều DN lắp ráp ôtô tại Việt Nam như Toyota, Honda, Ford đã phải cắt giảm nhân lực, dù cho thời điểm đó Chính phủ đã có những hỗ trợ lớn như giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ với ôtô.
Thời điểm hiện nay, kinh tế được cho là còn khó khăn hơn 2008, các DN không được hỗ trợ gì, ngược lại lệ phí trước bạ với ôtô còn tăng mạnh tại 2 thành phố lớn, vì vậy DN ôtô cho rằng khó khăn với họ là rất lớn và kéo dài.
Trước mắt trong 6 tháng tới thì việc cắt giảm không diễn ra, nhưng nếu tình hình tiêu thụ xe sau đó vẫn tiếp tục giảm, thì sẽ phải xem lại kế hoạch sản xuất, một DN ôtô FDI cho hay.
Theo Vef
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã