Trước thực trạng này, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp để thích ứng, trong đó có việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng, điều kiện của người dân…
Chủ động ứng phó
Sóc Trăng là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển của Việt Nam và nằm trong vùng biển bồi thuộc vùng biển Đông - Nam Tổ quốc. Với vị trí nằm ở cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp biển Đông, Sóc Trăng có hơn 72 km bờ biển, 3 cửa sông chính đổ ra biển là cửa Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh. Đây là những đầu mối giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những tác động ở thượng nguồn sông Mê Kông, cùng với tình trạng sạt lở đê bao diễn biến phức tạp, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở cảnh giác cao với các mối nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão nhằm đề phòng sạt lở, gây thiệt hại về người, tài sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, kết hợp khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường khu vực ven biển, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; rà soát, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành. Cùng với đó, tỉnh củng cố, xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê; đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai dự án thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tỉnh Sóc Trăng…
Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng có Nghị quyết về Phát triển kinh tế biển. UBND tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch điện gió, năng lượng tái tạo và xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tận dụng lợi thế, tiềm năng vùng ven biển và hệ sinh thái của địa phương có 3 vùng mặn-ngọt-lợ và tiềm năng điện gió rất lớn của vùng ven biển để phát triển kinh tế, xã hội.
Trong khai thác, phát triển vùng ven biển, Sóc Trăng chú trọng đến hiệu quả đầu tư, sản xuất sạch, công nghệ cao và sẽ đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực có vai trò đột phá làm động lực cho phát triển cả vùng biển của tỉnh; phát triển một số ngành, lĩnh vực như: Thủy sản sạch, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, du lịch biển, dịch vụ vùng biển, hệ thống kết cấu hạ tầng, các ngành công nghiệp và khu công nghiệp gắn với kinh tế biển, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
Tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương, các bộ, ngành quan tâm, đầu tư để thực hiện các công trình kiên cố như nâng cấp đê sông, đê biển, xây kè đá những vùng trọng yếu, trồng cây lấn biển, bảo vệ đê bãi ven biển… Về lâu dài, tỉnh rất cần nguồn kinh phí lớn để triển khai sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai, trong đó có sắp xếp di dời dân ở khu vực nguy cơ cao ở ven sông Hậu vùng Kế Sách, Long Phú và ven biển Vĩnh Châu vào khu vực an toàn.
Trong sản xuất, Sóc Trăng khuyến cáo người dân chủ động trữ nước ngọt, phòng khi mùa hạn, đẩy mạnh công tác thủy lợi nội đồng để dự trữ nước cho mùa khô. Với vùng trũng, ảnh hưởng của lũ, nông dân cần chuyển đổi trồng lúa sang nuôi cá hoặc né lũ, mở rộng chăn nuôi thay vì trồng lúa hay rau màu.
Ngày 20/9 vừa qua, ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định đề cương Dự án “Đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” và đề cương Dự án “Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”.
Theo đó, Dự án “Đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” nhằm xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và kịch bản biến đổi khí hậu; trang bị cho cấp quản lý, chính quyền địa phương, cũng như người dân cơ sở khoa học vững chắc, công cụ quản lý, giải pháp cụ thể để có thể ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Dự án sẽ tập trung vào việc đánh giá đặc điểm khí hậu, mức độ dao động và xu hướng biến đổi của các yếu tố khí hậu trên địa bàn tỉnh; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên môi trường, hệ sinh thái và hoạt động kinh tế - xã hội; xác định giải pháp ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và xây dựng lộ trình triển khai, nguồn lực thực hiện…
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng: Từ năm 2014, Sóc Trăng đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Theo đó, tỉnh xác định, quy hoạch một số vùng theo cơ cấu sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ màu để thay thế cho lúa vụ 3 ở huyện Long Phú, Trần Đề; làm 1 vụ lúa -1 vụ tôm trên vùng đất nhiễm mặn huyện Mỹ Xuyên… Đây là những mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện bất lợi của thời tiết trên địa bàn tỉnh và thực tế tại những vùng này, từ một số vụ trước, người dân đã thử nghiệm cho thấy đạt hiệu quả cao hơn.
Cù Lao Dung là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện của nông dân. Ông Lê Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: Năm nay dù không bị tình trạng mặn xâm nhập ảnh hưởng đến cây mía, nhưng thời tiết cũng bất lợi, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất mía và diện tích rau màu của người dân. Huyện chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng với kế hoạch năm 2018, giảm 1.000 ha mía để trồng cây ăn trái như xoài, nhãn, dừa, nuôi thủy sản…
Theo ông Trần Vĩnh Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018-2020, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa khoảng 7.300 ha. Trong đó, diện tích cây hàng năm gần 4.000 ha và cây lâu năm khoảng 1.670 ha, còn lại là nuôi, trồng các loại thủy sản, cây rau, màu khác...
Trong chăn nuôi, tỉnh phát triển mạnh đàn bò thịt, bò sữa ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer với thế mạnh có nguồn thức ăn, thời gian nông nhàn nhiều để chăm sóc, đặc biệt việc phát triển diện tích trồng cỏ đang tăng nhanh trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.200 ha đất trồng cỏ để chăn nuôi bò. Nhờ đó, đàn bò thịt, bò sữa của tỉnh tăng mạnh, nâng tổng số đàn bò hiện nay của tỉnh là hơn 50.000 con, trong đó hơn 12.000 con bò sữa. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2020 đạt 100.000 con bò thịt, bò sữa.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Sóc Trăng tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, diện tích lúa đặc sản tăng 1,3 lần so với năm 2014, sản lượng lúa luôn đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm. Trong quá trình tổ chức lại sản xuất, các địa phương chú ý chuyển đổi một phần diện tích mía kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi tôm; chuyển đổi một phần diện tích hành tím sang trồng cây màu (ớt, củ cải…). Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vườn cây ăn trái tập trung, vườn kiểu mẫu tại các địa phương như huyện Kế Sách (vườn bưởi da xanh, bưởi năm roi…), huyện Ngã Năm (mãng cầu gai), huyện Vĩnh Châu (nhãn xuồng cơm vàng).
Sau 3 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng phát triển cả về quy mô, sản lượng, chất lượng lẫn sức cạnh tranh trên thị trường.
Tái cơ cấu nông nghiệp đã trở thành động lực đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2017, Sóc Trăng đã có 23 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hết năm 2018 dự kiến có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh được đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu việc làm, nghề nghiệp, Sóc Trăng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tạo việc làm mới cho người dân nông thôn. Tỉnh đã lập danh mục 89 dự án cần ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 và tiếp tục rà soát cập nhật, bổ sung trong thời gian tới.
Tỉnh ưu tiên phát triển các cụm, khu công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, tùy theo điều kiện, thế mạnh địa phương để ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản, nông sản hay công nghiệp giày da, cơ khí… sử dụng nhiều lao động tại chỗ.
Theo ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đang khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án điện sạch theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, nhằm khai thác lợi thế sẵn có, phát triển ngành năng lượng tái tạo, không chỉ đảm bảo về nguồn năng lượng sạch mà còn có thể kết hợp khai thác năng lượng sạch với nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao. Trong việc chọn lựa nhà đầu tư, Sóc Trăng chú trọng phát triển bền vững, xanh, sạch, không để ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã