Học tập đạo đức HCM

Thổ cẩm Pa Pe

Thứ sáu - 31/05/2013 21:09
Dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với khôi phục nghề truyền thống đã góp phần đưa bản Pa Pe, xã Bình Lư, huyện Tam Ðường, tỉnh Lai Châu vốn khó khăn, lạc hậu với số hộ nghèo chiếm tới 70%, trở thành một trong những thôn, bản tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 

Ðến với Pa Pe vào một ngày đầu hè, con đường mới trải nhựa đưa chúng tôi qua những ngôi nhà đã được ngói hóa khang trang, những quầy hàng, cửa hiệu, cơ sở sửa chữa máy móc nhộn nhịp. Thấp thoáng dưới mái hiên là bóng dáng những người phụ nữ Lự đang chăm chú bên khung cửi dệt thổ cẩm đầy mầu sắc.

 Theo Chủ tịch UBND xã Bình Lư Hoàng Xuân Huề, bản Pa Pe chủ yếu là người dân tộc Lự và từng là bản nghèo khó nhất của xã Bình Lư. Chỉ có hơn 20 ha ruộng nước, tập quán canh tác lạc hậu, cuộc sống của đồng bào chủ yếu dựa vào phá rừng làm nương rẫy và săn bắt. Ðã có thời cái nghèo, cái đói bủa vây mỗi đời người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính quyền các cấp đã rất nỗ lực hỗ trợ, nhưng chuyển biến không nhiều bởi Pa Pe chưa thật sự tìm ra được một hướng đi đúng để thoát nghèo, thoát khó. Nếu chỉ trông chờ vào cây lúa nương, không đói đã là giỏi lắm rồi.

 Khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với việc lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ, sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân, Pa Pe đã và đang đổi thay trên nhiều lĩnh vực. Ðời sống kinh tế đã khấm khá hơn so với trước, nhiều nhà đã bắt đầu có của ăn, của để. Ðó là cơ sở tạo điều kiện để các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm hơn đến các lĩnh vực khác, nhất là trong tạo dựng cơ sở hạ tầng và đời sống tinh thần với sự hợp tác của người dân.

 Chủ tịch Hoàng Xuân Huề cho biết: "Nhiều hộ dân ở Bình Lư nói chung và Pa Pe nói riêng đã tự nguyện hiến đất, góp công sức để làm đường, cải tạo kênh mương, xây dựng các công trình công cộng, chẳng hạn như ở Pa Pe có gia đình các ông: Tao Văn Khăm, Tao Văn Kẻo, Lò Văn Pành, Lò Văn Khăm... luôn đi đầu trong các hoạt động công ích, làm kinh tế, và là các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu của thôn, bản". Hiện tại, năng suất lúa ở đây đã đạt từ năm đến sáu tấn/ha mỗi vụ. Tập quán canh tác và cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi để phát triển kinh tế. Thêm vào đó, việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng thí điểm cây cao-su ở Bình Lư và Pa Pe cũng được triển khai và giao trực tiếp cho từng hộ gia đình quản lý.

 So với trước đây, cơ sở hạ tầng cũng như cuộc sống của người dân ở Bình Lư và Pa Pe đã và đang ngày càng được nâng cao, tạo ra những thay đổi vượt bậc so với mặt bằng phát triển chung của nhiều địa phương khó khăn trong tỉnh. Tính đến năm 2013, số hộ nghèo ở Pa Pe đã giảm xuống dưới 10%; hầu hết các hộ gia đình đều có xe máy và phương tiện nghe nhìn. Các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy... không còn. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên diễn ra tại Nhà văn hóa bản đã góp phần gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống và tạo nên các sân chơi bổ ích cho người dân. Bản có một trường tiểu học và trường THCS được xây dựng kiên cố, thu hút tất cả các cháu trong độ tuổi đến trường. Từ năm 2004 đến nay, Pa Pe liên tục được công nhận là bản văn hóa của xã, của huyện.

 Không chỉ có vậy, Pa Pe thu hút mọi người với các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công truyền thống độc đáo, đang từng bước trở thành một thương hiệu được biết đến của Lai Châu. Ðã có những lúc, vì những biến động, khó khăn về kinh tế và do chưa được quan tâm đúng mức, nghề dệt truyền thống này tưởng như bị mai một. Tuy nhiên, nhờ chủ trương đúng đắn của chính quyền mà những khung cửi của phụ nữ Lự ở Pa Pe lại đều đặn quay, để từ đó cho ra đời những trang phục, chiếc khăn, cái túi hấp dẫn giới kinh doanh và du khách gần xa. Hàng bán chạy, khách đến đặt hàng, người dân có điều kiện để đầu tư vào sản phẩm, tiếp tục tạo ra các mẫu mã có hoa văn, mầu sắc đẹp hơn. Hiện nay, cả bản có hơn 100 khung dệt, thu nhập bình quân đầu người đạt bảy triệu đồng/năm. Có khoảng 80% thanh niên trong bản sử dụng thành thạo máy dệt, tạo ra nhiều loại sản phẩm phong phú như: váy áo, mũ, khăn, túi, vỏ chăn... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của từng gia đình, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu của một loại hình sản phẩm du lịch.

 Theo chân Trưởng bản văn hóa Pa Pe Tao Văn Khăm, chúng tôi đi thăm một số hộ gia đình trong bản. Có thể thấy được những nét văn hóa ở đây không chỉ thể hiện qua trang phục truyền thống, cách bài trí không gian trong mỗi gia đình mà còn được thể hiện qua phong cách giao tiếp, đối đãi đối với mọi người. Từ những bậc cao niên cho đến các em nhỏ đều tỏ ra hết sức thân thiện, chân thành. Chúng tôi vào nhà chị Lò Thị Nọi, một thợ dệt có tiếng trong bản, cùng lúc một đoàn du khách đến từ châu Âu, tham quan mô hình sản xuất thổ cẩm của chị. Mọi người rất thích những khung cửi, sợi vải được làm hoàn toàn thủ công, với nhiều mầu sắc, hoa văn vừa sinh động, vừa có nét rất riêng, độc đáo. Một vài người còn tranh thủ mặc thử cả bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lự và say sưa chụp hình lưu niệm. Anh Hen-ri và chị A-đri-en, một cặp vợ chồng người Pháp vui vẻ bày tỏ: "Chúng tôi đã đi đến một số vùng núi của Việt Nam cũng có dệt thổ cẩm, tuy nhiên chất liệu và họa tiết ở đây không giống nơi nào khác. Người dân rất nhiệt tình và mộc mạc. Ðể làm ra một tấm vải thật sự kỳ công và mất thời gian, vậy mà họ bán với giá cả cũng rất phải chăng".

 Quả là như vậy, những chiếc váy, chiếc áo được trang trí theo chiều ngang, chiều dọc với các gam mầu chủ đạo như vàng, đỏ, nâu... được thể hiện tinh tế, đính kèm những đồng bạc lấp lánh tạo nét duyên dáng cho người mặc. Từng đường kim mũi chỉ đẹp mắt với các hình thù bông hoa, quả trám, hình chân chim, hình răng cưa... vẫn được gìn giữ và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Giá bán của mỗi chiếc túi, khăn, giỏ đựng dao động từ 30 đến 200 nghìn đồng, tùy độ lớn và độ phức tạp của hoa văn. Những tấm vải khổ rộng để làm vỏ chăn, làm gối, làm khăn trải bàn có giá từ 300 đến 500 nghìn đồng. Không chỉ bắt mắt, chúng còn rất bền chắc và không phai mầu. Chị Lò Thị Nọi cho biết, trước đây vào thời của bà, của mẹ chị, do cuộc sống khó khăn, lạc hậu nên phụ nữ Lự chỉ tự dệt cho mình vài bộ váy áo, sau đó những chiếc khung cửi bị bỏ im lìm ở góc nhà, quanh năm bụi phủ. Nhưng giờ đây, nghề dệt đã sống lại, mang lại việc làm cho nhiều người. Tùy theo nhu cầu của thị trường mà khổ vải, mầu sắc, hoa văn và loại hình sản phẩm cũng được sáng tạo thêm, đa dạng và phong phú.

 Ðể các sản phẩm thổ cẩm Pa Pe trở thành hàng hóa, có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều du khách biết đến, phải kể tới sự góp sức của những đảng viên ở Chi bộ bản Pa Pe. Không chỉ đến từng gia đình tuyên truyền, vận động các bà, các mẹ truyền nghề lại cho con cháu, họ đã tham mưu cho chính quyền địa phương hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư cho nghề dệt. Bí thư Chi bộ bản Pa Pe Tao Văn Kha cho biết: "Hiện nay, gần như tất cả số hộ trong bản có khung cửi dệt thổ cẩm hoạt động thường xuyên. Sản phẩm được trưng bày và làm quà lưu niệm đối với du khách đến thăm bản văn hóa Pa Pe, đồng thời cũng đã được mang đến nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Nghề dệt được khôi phục tạo thu nhập cho bà con, giữ gìn nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Lự".

 Chia tay bản văn hóa Pa Pe, Trưởng bản Tao Văn Khăm bắt tay chúng tôi thật chặt: "Nhà báo sớm trở lại Pa Pe nhé, nếu lên đây vào đúng dịp Tết Nguyên đán, mùa của lễ hội, các anh, các chị sẽ được biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống của người Lự nói riêng, của đồng bào các dân tộc anh em tỉnh Lai Châu nói chung". Ðó cũng là lời hẹn mà mỗi chúng tôi đều mong muốn bởi những ấn tượng về một vùng đất đang từng ngày đổi thay, trong đó phải kể đến hiệu quả của chính sách khôi phục nghề dệt truyền thống gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng nơi đây.

 BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG MỸ HẠNH

 

 Theo nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập202
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay37,611
  • Tháng hiện tại243,494
  • Tổng lượt truy cập92,621,158
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây