Ông Veih, ở làng Broach 1, một trong những hộ có thu nhập cao từ nuôi heo Móng Cái cho biết: Nuôi heo Móng Cái nhanh lớn lại dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, người nuôi không gặp mấy khó khăn trong phối giống, lại tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong vườn nên mang lại lợi nhuận cao, được nhiều người ưa chuộng. Khởi nghiệp từ việc nuôi một con heo nái theo dự án khoa học của tỉnh với số tiền nộp đối ứng 200 ngàn đồng năm 2004, đến nay heo nái của ông Veih sinh sản tốt. Mỗi năm heo sinh hai lứa, mỗi lứa từ 10 đến 15 con.
Đàn heo thịt 4 tháng tuổi của hộ Byôn làng Broach 1. Ảnh: Hồng Thương |
Sau khi sinh, đàn heo con được ông giữ lại nuôi đến lúc đạt trọng lượng 50-60 kg/con mới bán. Mỗi năm gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng, trừ chi phí cũng thu khoảng 30 triệu đồng tiền lãi.
Không kém gì gia đình ông Veih, gia đình chị Nanh cùng làng cũng đang có một nguồn thu nhập khá từ việc nuôi heo Móng Cái. Để có được hiệu quả trong chăn nuôi, sau khi nhận heo nái được hỗ trợ theo dự án của tỉnh về, chị Nanh khẩn trương làm chuồng, tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các hộ trong làng và tham gia các buổi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của Trạm Khuyến nông huyện.
Chị Nanh cho biết: Với heo nái, nên cho ăn thêm rau xanh nhiều hơn tinh bột và cung cấp nước uống sạch thường xuyên, đảm bảo nguồn nước và nguồn dinh dưỡng tốt cho heo lúc sinh sản. Còn với heo thịt, ngoài các nguồn thức ăn gọi là “cây nhà lá vườn” như: Mì, bắp, rau khoai, chị cho kèm thêm thức ăn cao cấp để heo nhanh lớn... Nhờ chăn nuôi đúng cách mà đàn heo của chị tăng trưởng tốt, chóng lớn, tránh được dịch bệnh và mang về nguồn thu mỗi năm từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng cho gia đình.
Nhận thấy nuôi heo Móng Cái mang lại hiệu quả kinh tế cao nên dần dần nhiều hộ trên địa bàn xã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi heo với quy mô và số lượng khá lớn. Anh Byin-Chủ tịch Hội nông dân xã A Dơk cho biết: Hiện người dân 10 thôn, làng trên địa bàn xã đều nuôi heo Móng Cái, trong đó chỉ có làng Blo là nuôi heo thả rông, còn 9 thôn, làng còn lại, họ đã biết làm chuồng để chăn nuôi, tránh dịch bệnh cho heo và tránh tình trạng heo phá hoại rau màu của dân.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình không chỉ nuôi heo nái mà còn đầu tư chuồng trại, nguồn vốn để nuôi thêm heo thịt theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, số hộ nuôi heo tăng dần theo các năm. Từ 20 hộ thuộc diện khó khăn được hỗ trợ 80% về vốn theo dự án khoa học của tỉnh năm 2004 nay đã có gần 70% số hộ trong tổng số trên 1.000 hộ trong toàn xã tham gia nuôi heo Móng Cái. Riêng năm 2011 số lượng heo nái đã lên đến 800 con, đó là chưa kể số lượng heo thịt được nuôi.
Từ hiệu quả kinh tế trên mà “nghề” nuôi heo Móng Cái đang khẳng định vị trí trong phát triển kinh tế của người dân A Dơk và đã có không ít gia đình trên địa bàn xã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn trước.
Theo: baogialai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã