Sản lượng giảm
Năm 2015, Bắc Giang có tổng diện tích trồng vải khoảng 32 nghìn ha, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 150 nghìn tấn quả tươi, thấp hơn so với năm 2014 khoảng 30 nghìn tấn. Dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 90 nghìn tấn, xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 60 nghìn tấn.
Thị trường nội địa tiêu thụ vải tươi được xác định rộng khắp toàn quốc, trong đó, chủ yếu tại các tỉnh phía bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh … Các thị trường xuất khẩu truyền thống như; Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của vải thiều Bắc Giang, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều, nhất là các các thị trường mới, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất xuất khẩu vải thiều năm 2015 và những năm tiếp theo. Mục tiêu năm 2015, sẽ xuất thử nghiệm những lô vải thiều tươi đầu tiên vào thị trường như Mỹ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...Đây sẽ là tiền đề quan trọng để vải thiều Bắc Giang mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế quả vải thiều, đồng thời tránh phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Đầu tư để chiếm lĩnh thị trường "khó tính"
Để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" đạt giá trị kinh tế cao như thị trường Mỹ, Pháp, Nhật Bản, các nước EU...Các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang đã triển khai sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Lục Ngạn với quy mô trên 100 ha, sản lượng khoảng gần một nghìn tấn. Đăng ký mã vùng trồng vải, cấp mã vạch sản xuất vải GlobalGAP cho 109 hộ ở ba thôn: Kép 1, Ngọt và Phương Sơn, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) nhằm sản xuất vải thiều chất lượng tốt nhất đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường trái cây trên thế giới.
Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang phối hợp với các địa phương tư vấn, hỗ trợ các tổ chức và nhân dân sản xuất, thu hoạch theo quy trình an toàn sinh học; khuyến khích, mở rộng canh tác theo tiêu chuẩn VIETGAP; Global Gap áp dụng khoa học tiến tiến vào quá trình sản xuất, bảo quản vải thiều. Đồng thời cơ quan chức năng trong tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư kỹ thuật nông nghiệp và hóa chất bảo quản vải thiều bảo đảm đạt chất lượng theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, giám sát nắm tình hình sinh trưởng và sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đồng thời Bắc Giang cũng đã lựa chọn áp dụng công nghệ hiện đại, giá cả hợp lý vào bảo quản, chế biến, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian tiêu thụ vải thiều. Hình thành và phát triển chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, bảo quản chế biến và tiêu thụ vải thiều. Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, tích cực thâm nhập và nắm bắt thông tin giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, từng bước tiếp cận, khơi thông, mở rộng sang các thị trường mới, cao cấp như thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Qua những năm đầu tư cho cây vài thiều cả về chất và lượng, đến nay sản phẩm "Vải thiều Lục Ngạn" và "Vải sớm Phúc Hòa" đã được nhà nước bảo hộ, cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Qua đó, vải thiều sẽ được đóng gói vào các thùng, túi có nhãn mác, mã vạch và bán rộng rãi trên thị trường. Công tác quản lý việc sử dụng nhãn hiệu theo quy chế cần được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, đóng gói đến khâu tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Vải thiều còn chưa hết khó khăn
Được biết, diện tích vải thiều tỉnh Bắc Giang thuyên giảm là do người dân ở vùng cao đã chặt hạ cây vải để thay thế bằng cây trồng khác với nhiều nguyên nhân như năng suất, chất lượng không bảo đảm, giá thành vận chuyển bị đội lên do ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều tươi trong nội địa (chiếm 60% tổng sản lượng) khó có thể tăng thêm trong khi việc chế biến các sản phẩm từ vải thiều vẫn chưa đạt được sản lượng như mong muốn.
Thị trường xuất khẩu vải thiều lại phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống là Trung Quốc (chiếm khoảng 90% sản lượng xuất khẩu). Việc mở rộng các thị trường xuất khẩu khác gặp rất nhiều khó khăn về bảo quản, vận chuyển và chất lượng, trong những năm tiếp theo sản lượng xuất khẩu sang các thị trường này vẫn chưa thể tăng mạnh.
Mặt khác cơ sở hạ tầng giao thông của Bắc Giang vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác tiêu thụ vải, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra trong những ngày cao điểm thu hoạch vải. Công tác xuất khẩu vải thiều tại một số cửa khẩu vẫn chưa được thông suốt cho nên xảy ra tình trạng ùn tắc xe trở vải thiều tại cửa khẩu. Vải thiều Bắc Giang nói chung và vải thiều Lục Ngạn nói riêng vẫn có sự chênh lệch về chất lượng cho nên xảy ra tình trạng giá vải có sự chênh lệch, tình trạng người dân bán vải bị ép giá, cân thiếu vẫn xảy ra trong mùa thu hoạch. Tình trạng các thương nhân kinh doanh vải thiều không thông qua hợp đồng với đối tác, bị động vẫn còn diễn ra phổ biến tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Đinh Văn Hưng, thương nhân tiêu thụ vải ở Lục Ngạn chia sẻ; ông rất mong các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dịch vụ ăn theo mùa vải thiều như nước đá, hộp xốp, túi bóng, xọt tre... Vào chính vụ giá của các mặt hàng này tăng cao đột biến, thùng xốp đựng vải giá ngày thường từ 35-40 nghìn đồng/chiếc, vào vụ thu hoạch vải bị đội giá lên gấp đôi. Theo đó là các dịch vụ đóng gói, vận chuyển cũng tăng cao nên giá bán vải thiều tại vườn của người nông dân phải xuống thấp hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân.
Nguồn: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã