Trong khi câu chuyện được mùa rớt giá, được giá mất mùa nhiều năm vẫn xảy ra chưa khắc phục được, thì nửa đầu năm 2015, thêm lạm phát thấp bất lợi cho nhóm hàng nông sản. Chuyên gia kinh tế - TSKH. Nguyễn Thị Hiền đưa ra số liệu thống kê cho thấy mức tăng giá hàng tiêu dùng và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ở mức thấp. Đáng lưu ý là hầu hết mức tăng giá thuộc về các nhóm hàng không phải lương thực, thực phẩm. Trong khi mức tăng giá điện, xăng dầu được bù qua tăng giá nhiều nhóm hàng công nghiệp và dịch vụ phi lương thực, thực phẩm thì giá lương thực, giá hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống lại giảm (chỉ số giá nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%). Trong trường hợp này, việc giá hàng nông sản sụt giảm đồng nghĩa với sự sụt giảm của ngành Nông nghiệp, ngành kinh tế vốn được đánh giá là trụ cột của nền kinh tế trong mấy năm gần đây.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quanh Vinh cũng nhận định sự sụt giảm của ngành Nông nghiệp là một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế. Tất nhiên, sự sụt giảm của ngành Nông nghiệp không phải do lỗi của việc điều hành giá cả, nhưng qua diễn biến giá cả thị trường có thể thấy những vấn đề nảy sinh trong điều hành kinh tế vĩ mô. Ở đây là câu chuyện về “đầu ra” cho hàng nông sản. Hơn ở đâu hết, đầu ra cho hàng nông sản ở Việt Nam là đặc biệt cấp bách.
Xuất khẩu nông sản khó khăn, nông dân chịu nhiều thiệt thòi. |
Cùng chung nhận định, nhưng bổ sung thêm những hạn chế của việc phân phối nông sản, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng vốn ít, ruộng đất manh mún, làm ăn nhỏ lẻ, vốn là cố hữu của sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản rau quả ở nước ta nói riêng. Người sản xuất nông sản rau quả luôn luôn bị ép giá cả đầu vào lẫn đầu ra như: giống, phân bón, thuốc trừ sâu và cả khi tiêu thụ sản phẩm do bị thương lái ép giá ở thị trường nội địa, rau quả sản xuất ra luôn luôn bị lỗ, bán dưới giá thành hoặc lợi nhuận rơi chủ yếu vào tay trung gian một cách vô lý, do đó người nông dân luôn bị thua thiệt, đời sống khó khăn nhất trong các đối tượng xã hội hiện nay. Xuất khẩu cũng chưa ổn định, giá cả bấp bênh cũng luôn bị ép cấp, ép giá. Công nghiệp chế biến còn manh mún, hiệu quả thấp, ít được nghiên cứu và đầu tư…
“Chúng ta vừa bị động trong tiêu thụ sản phẩm tươi, vừa không tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến trong nước phát triển, lợi nhuận trong sản xuất rất thấp. Các điều kiện bảo quản tươi sau thu hoạch còn ở trình độ thấp, kho dự trữ không có, tỉ lệ hao hụt thường chiếm khoảng 20-30% các loại nông sản rau quả ở Việt Nam. Chính sách thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trồng trọt, nông sản, rau quả còn chưa đủ độ chín và độ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước, bởi vì lĩnh vực này rất có nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh”, ông Phú dẫn giải.
Mới đi được nửa chặng đường năm 2015, nông sản đã chứng kiến sự sụt giảm: 5 tháng đạt 11,4 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2014. Không chỉ thế, câu chuyện dưa hấu, hành tím… không tiêu thụ được khiến cho nông dân vứt bỏ hàng loạt cứ tiếp nối theo mỗi vụ thu hoạch... Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm đến cuối tháng 5/2015, cả nước có 50,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 203,5 nghìn nhân khẩu thiếu đói. So với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói tăng 23,1%; số nhân khẩu thiếu đói tăng 12,4%.
“Sự phát triển của nông nghiệp không thể chỉ được đo lường bằng năng suất sản phẩm, mà chính lợi nhuận doanh nghiệp thu được và mức sống ổn định của người nông dân mới là mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Để làm được điều này, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước tiên cần xây dựng được chuỗi giá trị, sản xuất gắn liền tiêu thụ, xóa bỏ hoàn toàn khâu trung gian, xóa độc quyền tiêu thụ và xuất khẩu. Điển hình như mặt hàng lúa gạo, dù đã có chính sách tự do mậu dịch, nhưng thực tế Hiệp hội Lương thực VFA lại được giao mọi quyền hành xuất khẩu…”- Ths. Nguyễn Vân Anh, Viện Kinh tế Tài chính góp ý.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã