Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Bộ máy phình ra do đâu?
Sau khi nghe báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Với tổ chức bộ máy hiện nay có bảo đảm hiệu lực, hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ hay chưa? Bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế là do yêu cầu quản lý hay lý do nào khác?
Thay mặt đoàn giám sát trả lời câu hỏi trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trong nhiều văn bản đều đánh giá bộ máy trong những năm qua có hiệu lực hiệu quả tăng lên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế trước hết có nguyên nhân do yêu cầu quản lý tăng, quy mô nền kinh tế, dân số... tăng nên đội ngũ tăng. Dẫn trường hợp trong 5 năm Bộ Tư pháp tăng gần chục cục, vụ, ông Nguyễn Khắc Định cho biết nguyên nhân vì thêm chức năng, nhiều việc trước đây địa phương, đơn vị khác làm nhưng nay giao Bộ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Định, việc phình bộ máy còn có lý do không chấp hành đúng văn bản của cấp trên. Thậm chí có văn bản của Bộ quy định không thống nhất với văn bản của Chính phủ dẫn đến có nơi áp dụng Nghị định, có nơi áp dụng Thông tư.
“Đi giám sát thấy có nơi phản ánh là do lúng túng không biết áp dụng thế nào nên hỏi 3 Bộ nhưng có Bộ nói chờ hỏi ý kiến, có Bộ nói văn bản đó đúng rồi còn Bộ thứ ba thì không thấy trả lời”, ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Một nguyên nhân nữa được Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra là do trình độ thấp kém, có nơi nói cán bộ yếu nên đáng lẽ một việc giao cho một người thì phải cần hai người làm việc.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn cho rằng bộ máy hành chính đến giờ này còn cồng kềnh. Thông thường giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa tính cơ cấu bên trong nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng. Do đó, sắp tới phải kiểm soát cơ cấu bên trong.
Đề cập tính hiệu lực và hiệu quả, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính nên tiến tới phân cấp mạnh. Như ở địa phương thì giao theo thẩm quyền chuyên môn chứ không “đùn” việc lên UBND, từ đó cũng giúp giảm bộ máy. Ngoài ra, về đối tượng tinh giản, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị cần mở rộng và có sàng lọc cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Bình quân một sở có hơn 8 phòng là quá nhiều
Nói về việc chấp hành pháp luật về tổ chức và biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết có 3 nguyên nhân: Địa phương hiểu không đúng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, văn bản hướng dẫn nói không rõ dẫn đến số lượng biên chế và cấp phó nhiều. Cùng với đó là sự vận dụng vượt quá mức cho phép. Ngoài ra, văn bản chưa phù hợp với các lĩnh vực, vùng miền khác nhau.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, số lượng cơ quan bộ máy cấp tỉnh vừa qua quy định “phần cứng” nhiều quá nên có địa phương có đặc thù riêng muốn thành lập đơn vị nào đó cho phù hợp cũng khó. Do vậy, Bộ Nội vụ tham mưu giảm “phần cứng” và tăng “phầm mềm” để địa phương sáp nhập hay lập mới theo yêu cầu đặc điểm địa phương. Với cấp phòng cũng vậy, sắp tới giao cho tỉnh bình quân không quá bao nhiêu, còn lĩnh vực nào quan trọng theo đặc điểm địa phương thì có thể tự bố trí như có sở cần 4 mà có sở chỉ cần 1 hoặc 2 phòng.
Trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp bộ thì quy định số lượng bao nhiêu người sẽ thành lập phòng, như: Không quá 5 người thì chỉ có trưởng phòng, 7 người có thêm 1 phó... để bảo đảm không có chuyện lãnh đạo đông hơn chuyên viên.“Một sở bình quân hơn 8 phòng là quá nhiều, sắp tới không để sinh ra nhiều quá”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm.
Về biên chế, thời gian qua có tình trạng biên chế HĐND giao cho cơ quan cấp huyện và chuyên môn cấp tỉnh khác biên chế Bộ Nội vụ giao. Lý do là Bộ giao đầu năm trong khi HĐND cuối năm trước đã họp và giao biên chế để bảo vệ kinh phí với Trung ương. Do đó, năm 2016, Bộ Nội vụ giao trước khi họp HĐND, còn năm 2017 giao trong tháng 8 để khi họp Quốc hội thì phù hợp với giao ngân sách của Bộ Tài chính trước khi trình Quốc hội, tránh chênh lệch.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng cho biết hiện tỉ lệ tinh giản biên chế chưa được 1% là thấp. Do đó, Chính phủ giao trách nhiệm người đứng đầu, xem đây là tiêu chí đánh giá và nếu không thực hiện tốt thì sẽ xem xét xử lý.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá chủ đề giám sát rất “trúng” cũng như Báo cáo của Đoàn giám sát, cho thấy bộ máy đang như thế nào và có những vấn đề cần tiếp tục xử lý.
Đề cập thực tế, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn cho rằng, nói về chủ trương tinh giản biên chế ai cũng nhất trí và ủng hộ nhưng khi đụng tới cơ quan mình thì không muốn giảm, thậm chí muốn tăng thêm.
“Rút kinh nghiệm nhiều nhưng sợi dây kinh nghiệm là dài nhất của cuộc sống, năm nào cũng rút, ngành nào cũng rút mà rút hoài không hết. Bài học này rút rồi mà chưa sửa được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chính phủ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cải cách tổ chức bộ máy nhà nước
Phát biểu tại Phiên thảo luận về Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong nhiều Văn kiện của Đảng. Mục tiêu xuyên suốt của việc này là xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, các cấp chính quyền.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh, Chính phủ luôn nỗ lực sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính Nhà nước, tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, kiện toàn cơ cấu Chính phủ, cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương. Thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm đầu mối cấp trung gian, một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính. Chính phủ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cải cách tổ chức bộ máy nhà nước trên cơ sở ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những bất cập, nhưng tới đây Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải cách bộ máy hành chính Nhà nước.
Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng các nhận định, đánh giá, chỉ đạo của Quốc hội, cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp thành các nội dung chỉ đạo điều hành với mục tiêu tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Từ thực tiễn công tác xây dựng thể chế và cải cách tổ chức bộ máy nhà chính nhà nước, Chính phủ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác thẩm tra các dự án Luật, pháp lệnh, không đưa các quy định về thành lập tổ chức và biên chế vào các văn bản chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Chính phủ đang ráo riết chỉ đạo và rà soát các luật, pháp lệnh đã có quy định này theo kế hoạch để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã