Học tập đạo đức HCM

Xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống

Thứ tư - 16/08/2017 04:29
Xây dựng, hoàn thiện tiêu chí xã, huyện nông thôn mới phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, để nông thôn trở thành nơi đáng sống...

Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2016. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Đây là những nội dung quan trọng được các nhà nghiên cứu, đại diện các tỉnh, thành phố đưa ra tại Hội thảo góp ý về tiêu chí xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 15/8 tại tỉnh Nam Định. 

Yêu cầu của sự phát triển 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 7/2017, cả nước có 2.776 xã (đạt 31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, liên tục để đảm bảo phát triển nông thôn mới bền vững, không ngừng nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của người dân. 

Do vậy, ngay sau khi các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp tỉnh, huyện, xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí của tỉnh, huyện. 

Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn có xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới như: huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ), huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). 

Tất cả các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 dù đã thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn, nhưng đến nay một số tiêu chí vẫn chưa đảm bảo đạt chuẩn vững chắc theo bộ tiêu chí mới ban hành (Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Nhất là các tiêu chí về hộ nghèo đa chiều, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, môi trường... 

Việc phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị phù hợp với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở một số địa phương còn hạn chế; việc phát triển kinh tế giữa các xã trên địa bàn huyện chưa được liên kết chặt chẽ. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn ở các địa phương chủ yếu mới ở quy mô cấp xã... 

Từ thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có tiêu chí xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, làm cơ sở để các xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí phù hợp yêu cầu của sự phát triển trong thời kỳ mới. 

Lựa chọn cách làm phù hợp 

Qua khảo sát thực tế và làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại 14 xã của 6 địa phương gồm Nam Định, Thái Bình, Hậu Giang, Lâm Đồng, Yên Bái và thành phố Cần Thơ, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã đưa ra các phương án về tiêu chí xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. 

Theo đó, xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt được các yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, duy tu, sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư trên địa bàn. 

Các xã nông thôn mới kiểu mẫu cần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; có đề án phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với tái cơ cầu lại ngành nông nghiệp; trẻ em, học sinh các cấp được học tập và khám chữa bệnh đảm bảo phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội thu hút đông đảo người dân tham gia. Các thôn, bản, ấp tổ chức tốt các hoạt động phát triển cộng đồng, phát huy những giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống; đảm bảo quốc phòng, an ninh, vệ sinh môi trường. 

Bên cạnh đó, xã nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt yêu cầu thu nhập bình quân đầu người/năm của xã tối thiểu cao gấp 1,8 lần so với thu nhập bình quân đầu người/năm của cấp tỉnh trong năm đánh giá (hoặc cao gấp 1,5 - 2 lần so với mức đạt chuẩn). Các xã này cũng có từ 90% số lao động nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... 

Đối với huyện nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt đủ 9 tiêu chí theo Quyết định số 558, ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; có 100% số xã trong huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu; hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Thu nhập bình quân trên địa bàn nông thôn của huyện phải cao gấp 1,5 lần mức đạt chuẩn của vùng... 

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, dựa vào các quy định khung của Trung ương theo tinh thần các Quyết định của Thủ tướng chính phủ về xây dựng xã, huyện nông thôn mới, chính quyền các cấp ở các tỉnh, thành phố cần lựa chọn cách làm phù hợp với tình hình thực tế để hoàn thành mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. 

Các xã, huyện đã được công nhận nông thôn mới cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để trở thành mô hình nông thôn mới tiên tiến, hiện đại và bền vững. Đồng thời, phải thể hiện được những đặc trưng nổi bật, mang tính điển hình cho mỗi vùng, miền và địa phương. 

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, trước mắt nên tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Sau khi hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm mới tiến hành xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. 

Đối với xã nông thôn mới hiện nay cần phải đảm bảo yêu cầu tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ; có nền nông nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tạo ra năng suất, giá trị cao kết hợp linh hoạt, hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp truyền thống. Xã nông thôn mới kiểu mẫu phải thể hiện mức sống của người dân nông thôn ở mức cao và bảo tồn, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới, ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội nêu ý kiến, yếu tố then chốt góp phần làm nên thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới xây dựng thành công nông thôn mới tiên tiến, kiểu mẫu là phải đề ra các tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền và điều kiện của địa phương. 

Với đặc thù về ví trí địa lý, phân bố dân cư trên địa bàn, Hà Nội đã tiến hành xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn và miền núi. 

Dựa vào thế mạnh của từng địa phương để đề ra cách làm, bước đi phù hợp. Ví dụ như đối với huyện Đan Phượng - nơi có các làng nghề truyền thống, địa phương đã tập trung mở rộng, phát triển các điểm công nghiệp làng nghề nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động... 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, xây dựng nông thôn mới bền vững là yêu cầu của sự phát triển do đó cần có bộ tiêu chí nâng cao làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện trong giai đoạn mới. 

Các tiêu chí nông thôn mới đưa ra phải sát với tình hình thực tế ở địa phương, các vùng, miền; trong đó cơ bản phải đáp ứng được các tiêu chí như: thu nhập của người dân tăng lên; văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự được đảm bảo. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng phải nhận được sự đồng thuận cao và đạt được sự hài lòng của người dân... 

Mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là phấn đầu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí. 

Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã. Các xã cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhất là thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015...

Tác giả bài viết: Vũ Văn Đạt

Nguồn tin: baotintuc.vn

 Tags: nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập412
  • Hôm nay37,440
  • Tháng hiện tại742,553
  • Tổng lượt truy cập90,805,946
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây