PV: Đề nghị Bộ trưởng cho biết, vai trò của ngành Nông nghiệp trong khu vực GMS đối với sự phát triển thịnh vượng, bền vững trong tương lai?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Khu vực GMS có diện tích 2,6 triệu km vuông, dân số 333,8 triệu người, đang nổi lên thành trung tâm tăng trưởng mới của thế giới. Trong đó, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tỷ lệ đóng góp vào GDP của các nước GMS khá cao, tạo cho sinh kế của người dân, đặc biệt là nhóm dân cư thu nhập thấp ở nông thôn, miền núi.
Bên cạnh đó, nông nghiệp của các nước GMS có năng lực xuất khẩu tốt, tính cạnh tranh cao nhờ lợi thế về địa hình, nằm ở cửa ngõ giao thương của thế giới, nơi trung chuyển hàng hóa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch thương mại toàn cầu ở các nước GMS.
PV: Với vai trò, lợi thế như vậy, các nước GMS xác định hướng đi cho nông nghiệp thời gian tới như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có thể khẳng định, nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế khác của GMS. Đồng thời, dư địa thị trường, cơ hội cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vô cùng rộng lớn để chiếm lĩnh thị trường thực phẩm toàn cầu với quy mô 15.000 tỷ USD/năm.
Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu của cả vùng nói chung, Việt Nam nói riêng để xây dựng ngành nông nghiệp phát triển, với những sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi nước.
PV: Tuy lợi thế của lĩnh vực nông nghiệp đang vô cùng lớn, nhưng không thể tránh khỏi thách thức. Bộ trưởng cho biết về những trở ngại các nước cần vượt qua?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hàng loạt thách thức cần xử lý để tận dụng tốt nhất lợi thế về nông nghiệp của các nước GMS. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không chỉ giới hạn trong tự do hóa thương mại hàng hóa, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia tạo sức ép cạnh tranh và áp lực tới sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, khung pháp lý chưa được hoàn thiện, việc xử lý tranh chấp thương mại gặp nhiều khó khăn.
Thị trường thế giới rộng mở nhưng cơ cấu thay đổi nhanh theo hướng giảm ngũ cốc, tăng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, rau quả; giảm tiêu thụ trực tiếp sản phẩm thô giá rẻ, tăng tiêu thụ sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu. Người tiêu dùng cũng có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn, có lợi cho sức khỏe. Biến đổi khí hậu nhanh hơn so với dự báo, thiên tai khắc nghiệt, tài nguyên đất, nước cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Trong khi đó, nông nghiệp của các nước GMS phần lớn dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ khoa học - công nghệ nông nghiệp ở mức thấp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được phát huy mạnh mẽ.
PV: Với những thách thức trên, đòi hỏi phải có những quyết sách nào để phát triển nông nghiệp của khu vực GMS?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết, cần phát triển công nghiệp chế biến nông sản, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữ các vùng, các quốc gia, hoàn thiện các cơ chế hợp tác phù hợp để xử lý rủi ro, biến động thị trường... Phải tăng cường đầu tư, hợp tác chặt chẽ trong phát triển khoa học, công nghệ hỗ trợ, phục vụ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý rủi ro thiên tai, sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu ở cả cấp độ địa phương, quốc gia và vùng.
Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất; phát triển công nghệ sinh học giúp giải mã nhanh các hệ gen, tạo ra những giống cây trồng mới chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cũng cần áp dụng những tiến bộ khoa học khác như robot giúp thay thế lao động chân tay, tăng năng suất, giảm giá thành...
PV: Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở các nước GMS cần có những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Các nước cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp xuyên biên giới. Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước GMS. Phối hợp tốt nhất trong giao thương giữa các nước, tận dụng lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa theo hành lang sông Mekong.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, quản lý dịch bệnh và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng của công nghệ số. Đặc biệt, tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ trong các chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý rủi ro thiên tai quy mô vùng.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Viết Hà (Thực hiện)
Nguồn: bienphong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã