Điều này có thể nhìn rõ trên cả hai vai: vừa là ngân hàng cung ứng vốn và sản phẩm dịch vụ, vừa là cầu nối liên kết hệ thống từ việc đảm bảo quyền lợi thành viên, đến tư vấn cùng các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng hoàn thiện hành lang chính sách đảm bảo cho hệ thống phát triển bền vững.
Sau 5 năm chuyển đổi mô hình, Ngân hàng Hợp tác đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò ngân hàng của các QTDND |
Đảm bảo hoạt động, trợ lực hệ thống
Nếu như nhìn con số tăng trưởng tín dụng của NHHT đối với hệ thống QTDND năm qua, dường như tốc độ tăng trưởng khá thấp. Cuối năm 2012, cho vay QTDND thành viên là: 4.392 tỷ đồng thì đến cuối năm 2017 dư nợ cho vay các QTDND là 5.821 tỷ đồng, tăng 32%. Song nhìn rộng ra các hoạt động của NHHT lại thấy một bức tranh khác khi NHHT vừa đảm bảo hoạt động có hiệu quả chung, vừa thực hiện mục tiêu kinh doanh không vì lợi nhuận để hỗ trợ hệ thống.
Có thể nhìn thấy rõ trong nghiệp vụ huy động nguồn vốn. Cuối năm 2012, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 14.871 tỷ đồng, trong đó tiền gửi điều hoà của các QTDND là 4.633,7 tỷ đồng. Thì đến cuối năm 2017, vốn huy động là 22.865 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi điều hoà từ các QTDND là 12.803 tỷ đồng.
Có thời điểm trong năm 2017, nguồn tiền gửi của hệ thống tại NHHT lên tới gần 15.000 tỷ đồng. Nhiều QTDND đã hoàn toàn chủ động được nguồn vốn để cho vay thành viên và người dân tin tưởng gửi tiền nhiều, nguồn vốn tăng cao sử dụng không hết nên chuyển về NHHT. Điều này cho thấy năng lực vốn của các QTDND ngày càng tăng.
Thực tế này dẫn tới NHHT khó mở rộng cho vay trong hệ thống. Cộng với mức tăng trưởng tín dụng ra ngoài thành viên bị khống chế theo chỉ tiêu của NHNN, nhiều thời điểm, NHHT thừa vốn (có thời điểm lên đến gần 10.000 tỷ đồng). Dù đã thực hiện các nghiệp vụ đầu tư vốn trên thị trường trái phiếu, thị trường liên ngân hàng, tuy nhiên, tiền gửi NHNN lãi suất là 0%, gửi tại các NHTM cũng chỉ 0,5%.
Lãi suất trái phiếu thấp hơn lãi suất huy động của các QTDND thế nhưng, NHHT sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các QTDND, thậm chí chịu lỗ để giảm bớt áp lực thừa vốn cho QTDND, góp phần tăng tính liên kết, an toàn của hệ thống.
Bên cạnh đó, NHHT tích cực hỗ trợ vốn cho các QTDND nhằm tăng cường hoạt động cho vay hỗ trợ thành viên. Trong 5 năm qua, đặc biệt năm 2017, đối với những QTDND làm ăn hiệu quả, có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để hoạt động, NHHT sẵn sàng điều chỉnh mức cho vay mở rộng tín dụng vượt mức quy định tại Quy chế điều hòa vốn nhằm hỗ trợ hoạt động của quỹ.
Vai trò liên kết và “bà đỡ” thêm rõ khi NHHT luôn hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động để giúp đỡ, tư vấn trong quản trị điều hành, huy động vốn và cho vay. Quan trọng hơn, NHHT còn cho vay hỗ trợ thanh khoản kịp thời đến các QTDND để chi trả tiền gửi cho khách hàng của QTDND, giúp các QTDND vượt qua khó khăn tạm thời, nhờ đó góp phần tăng uy tín và đảm bảo an toàn trong hoạt động của QTDND. Riêng năm 2017, doanh số cho vay hỗ trợ thanh khoản của NHHT cho các QTDND là 365 tỷ đồng.
NHHT cũng tích cực triển khai cho vay và giải ngân thông qua các QTDND theo hình thức cho vay liên kết, cho vay đồng tài trợ để gia tăng năng lực hỗ trợ vốn cho thành viên QTDND và khu vực nông nghiệp nông thôn. Đến 31/12/2017, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn hệ thống là 11.913 tỷ đồng chiếm 57,83% tổng dư nợ.
Cùng với việc mở rộng tín dụng cho vay ngoài hệ thống theo chỉ đạo của NHNN, NHHT tăng cường nâng cao chất lượng tín dụng và dịch vụ đảm bảo an toàn hoạt động. Cùng với việc tái cơ cấu NHHT giai đoạn 2013 - 2015, công tác xử lý nợ xấu tiếp tục được thực hiện rốt ráo theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN trong Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đặc biệt là sau Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Kết quả là nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 được thu hồi từ 15/8/2017 (là ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/12/2017 là 96.150 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm 1% so với thời điểm 15/8/2017, đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Nối nhịp phát triển và liên kết hệ thống
Mang trên vai trách nhiệm ngân hàng của các QTDND, 5 năm qua, NHHT đã tập trung nguồn lực hoàn thành việc xây dựng hệ thống Corebanking, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa năng hiện đại phục vụ các QTDND và khách hàng, nhất là người dân ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền điện tử, thẻ ATM…
5 năm qua hệ thống thanh toán chuyển tiền nội bộ được duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác điều hành vốn trong hệ thống NHHT và công tác điều hòa vốn giữa NHHT với QTDND. Cùng với đó, NHHT đã cung ứng dịch vụ chuyển tiền đáp ứng nhu cầu thanh toán của QTDND thành viên và khách hàng. Đồng thời mở rộng thanh toán qua các kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán đa phương nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển tiền ngày càng tăng của QTDND và khách hàng.
Dự án Ngân hàng điện tử CF-eBank, sau 5 năm triển khai đã mở rộng mạng lưới thanh toán của NHHT tới 534 điểm, gồm 32 Chi nhánh, 64 Phòng giao dịch, 438 QTDND. Số liệu giao dịch của các QTDND qua hệ thống Ngân hàng điện tử CF-eBank: giao dịch chuyển tiền đi là 246.654 món, doanh số chuyển đi là 11.015 tỷ đồng. Trong năm 2017 NHHT thực hiện cấp hạn mức thấu chi tài khoản thanh toán cho 287 QTDND, trong đó có 251 QTDND sử dụng hạn mức thấu chi với doanh số cho vay thấu chi 1.767 tỷ đồng.
Sản phẩm thẻ ghi nợ nội địa đã được triển khai cho khách hàng của 32 Chi nhánh, 64 Phòng giao dịch và 38 QTDND liên kết với 11.873 thẻ. Năm 2017 NHHT đã triển khai sản phẩm cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ nội địa và thu được những kết quả khả quan.
NHHT đã phát huy vai trò cầu nối hệ thống với các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, mang về các dự án không chỉ tăng nguồn vốn cho hệ thống với giá rẻ hỗ trợ thành viên mà còn nâng cao năng lực QTDND thông qua các dự án đào tạo và chuyển giao kỹ năng quản trị. Hiện NHHT đang tích cực giải ngân các dự án tín dụng như JBIC, JICA, RDF II&III, ADB 2968, ADB 1802, ADB 1990, ADB 2513, VnSAT, AFD. Tổng dư nợ đến 31/12/2017 của các dự án trên là 1.339 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2017 Trụ sở chính đã rút thêm được 130 tỷ đồng để giải ngân lại cho các chi nhánh...
Đặc biệt trong năm 2017, NHHT đã phối hợp tích cực với đối tác DID chuẩn bị các công việc cuối cùng để hoàn tất Văn kiện dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đẩy mạnh hệ thống QTDND, STEP do Chính phủ Canada tài trợ và được NHNN giao làm chủ dự án thực hiện trong 4 năm (từ 2017 đến 2021). Dự án sẽ giúp cho các QTDND trong việc quản lý rủi ro, hiện đại hóa công tác thông tin quản lý và phát triển ứng dụng các sản phẩm dịch vụ mới.
Trong năm 2017, NHHT cũng triển khai thêm Dự án số hóa tài chính vi mô (năm 2017-2018), theo đó NHHT phối hợp với Microsave triển khai số hóa quy trình cho vay từ xa thông qua phần mềm RLOS nhằm hỗ trợ công tác cho vay được thuận tiện, an toàn và bảo mật, đồng thời giám sát khoản vay chặt chẽ hơn.
Để nâng cao năng lực và tính cạnh tranh của hệ thống, cùng với việc tập trung truyền thông và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, NHHT đã mở rộng các cơ sở đào tạo để chủ động hơn trong việc thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với các QTDND. Đồng thời, liên kết với các trường đại học, các tổ chức tư vấn có uy tín trong nước và quốc tế để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý có tính thực tiễn cho các QTDND.
NHHT đã đóng góp xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của NHHT và QTDND, tăng cường tính kết nối hệ thống với việc đưa vào hoạt động và vận hành có hiệu quả Quỹ bảo toàn vốn, xây dựng các thông tư liên quan đến hoạt động của QTDND cũng như nâng cao vai trò quản lý, giám sát của NHNN đối với hệ thống.
Sau 5 năm chuyển đổi mô hình, những nền tảng mà hệ thống NHHT đã xây dựng góp phần vào thành tích phát triển chung của toàn hệ thống QTDND, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về việc phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt là mô hình tín dụng hợp tác xã.
Những vấn đề về chiến lược và kế hoạch cụ thể phát triển hệ thống QTDND trong đó NHHT đóng vai trò trung tâm kết nối các thành viên hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn, bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho NHHT thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, NHHT mong muốn NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với tính đặc thù trong hoạt động của QTDND; sớm ban hành cơ chế xử lý đối với khoản cho vay hỗ trợ của NHHT đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động khi không thu hồi được nợ…
Minh Ngọc/thoibaonganhang.vn