Đó là chia sẻ của ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tại buổi khai mạc Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018.
Lục Ngạn có tổng diện tích trồng vải khoảng 15.200 ha, tổng sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn, trong đó diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là 11.400ha; có 18 mã số vườn được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ với diện tích 217,89ha. Vải thiều Lục Ngạn cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể vào năm 2015; Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn năm 2008. Vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu chỉ dẫn địa lý tại 7 nước gồm: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ và Malaysia đang trong quá trình xem xét. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu sang thị trường trên 30 nước, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Dubai, Hà Lan, Thái Lan…
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người trồng vải tiêu thụ sản phẩm cũng như quảng bá hình ảnh của vải thiều Lục Ngạn, theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, ngày 29/5/2018, Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Bằng Tường (Trung Quốc). Ngày 8/6 vừa qua, tỉnh cũng đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương tại Bắc Giang. Thực hiện kế hoạch hợp tác liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá chủ lực giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang, Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội năm 2018 được diễn ra từ ngày 13/6 đến ngày 20/6/2018. Đây là lần thứ 3 Bắc Giang và Hà Nội tổ chức sự kiện với mong muốn đưa quả vải thiều chất lượng cao được trồng tại Lục Ngạn phục vụ người dân thủ đô. Sự kiện này cũng mong muốn kết nối sớm ngay từ đầu vụ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có cơ hội tiếp xúc, tìm đối tác để liên kết, giao thương, ký kết hợp đồng thương mại trong việc kinh doanh, tiêu thụ vải thiều nói riêng, các sản phẩm hàng hoá chủ lực của Bắc Giang và Hà Nội nói chung nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Vải thiều Lục Ngạn là một sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng và tin dùng. Năm 2018, phát huy kết quả của nhiều năm qua, với những bài học kinh nghiệm từ thực tế, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo UBND huyện Lục Ngạn tích cực phối hợp với các vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng quả vải thiều; quản lý chặt chẽ thị trường kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo không sử dụng chất cấm, giữ khoảng cách thời gian cách ly… Tăng cường kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Vải thiều được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang tất cả các thị trường trên thế giới.
Theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành bộ phận quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội hệ thống siêu thị Big C, thông qua sự kiện này, BigC Việt Nam sẽ thực hiện thu mua vải thiều của tỉnh Bắc Giang với chất lượng cao nhất và giá theo thị trường tại thời điểm thu mua. Dự kiến trong những ngày tới, lô hàng vải thiều năm nay sẽ được Central Group và BigC Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan với số lượng tăng gấp 3 lần so với năm 2017.
Tại buổi khai mạc, ông Trần Quang Tấn bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm tăng cường thông tin rộng rãi về sự kiện này, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về thương hiệu, chất lượng vượt trội của vải thiều Lục Ngạn “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày”. Bắc Giang tái cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất, nguồn vốn, điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác./.
Đặng Hiếu/cpv.orgNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã