Ông Lý Vinh Quang (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết, sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, đến thời điểm này Lạng Sơn vẫn “trắng” về xã đạt 19 tiêu chí về xây dựng NTM, trong khi mục tiêu đề ra, đến năm 2015 tỉnh có 35 xã đạt chuẩn NTM.
Trong kế hoạch, năm 2014 sẽ có hai xã là Mai Pha (TP. Lạng Sơn) và Chi Lăng (huyện Chi Lăng) đạt chuẩn về NTM. Phấn đấu đến hết năm 2015, Lạng Sơn sẽ có thêm 33 xã đạt chuẩn. "Như vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra của năm 2015 là một nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề và khó có thể hoàn thành được", ông Quang cho biết.
Theo ông, đâu là lý do ảnh hưởng đến kết quả trên?
Thứ nhất, đặc thù chung của các tỉnh miền núi là địa hình đồi núi chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt, suất đầu tư lớn nên ảnh hưởng rất lớn đến SXNN. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí thấp nên tập quán sinh hoạt và canh tác lạc hậu, để thay đổi được cần thời gian dài. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, đặc biệt là cán bộ công chức cấp cơ sở đặt ra vấn đề cho xây dựng Chương trình NTM.
Thứ hai, nguồn vốn địa phương và Trung ương "rót" cho còn hạn chế trong khi đó suất đầu tư lớn cũng đã ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng NTM.
Thứ ba, một số tiêu chí Trung ương hướng dẫn chưa phù hợp với các tỉnh miền núi. Ví dụ như tiêu chí về văn hoá, các nhà văn hoá thôn phải quy định về diện tích, chỗ ngồi, trang thiết bị kèm theo; tiêu chí về các thôn đạt chuẩn văn hoá trong 5 năm liên tục. Nhưng Lạng Sơn là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống khó khăn, dân trí và nguồn lực hạn chế nên khó có thể đạt được các tiêu chí này.
"Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể đối với các tỉnh miền núi phía Bắc để phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt đối với các tiêu chí về y tế, về văn hoá, môi trường. Mặt khác, UBND tỉnh có hướng dẫn phù hợp với thực tiễn để mục tiêu cuối cùng là thay đổi được bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất được cải thiện", ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. |
Tiêu chí về y tế, đặc biệt trong đó có tiêu chí trên 300 danh mục thuốc và hơn 270 danh mục về trang thiết bị y tế; nếu căn cứ vào điều kiện thực tế như số dân ở địa bàn, điều kiện kinh tế có nhất thiết cần một cơ sở y tế được trang bị như thế không? Thêm nữa, tiêu chí về môi trường chưa thật phù hợp. Đa số người nông dân sống ở các làng bản xa, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục sinh hoạt, chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh, điều này đã ăn sâu bén rễ vào tiềm thức họ. Để thay đổi được tập quán này là cả một quá trình và cần có sự vận động của cán bộ cơ sở.
Ngoài ra, còn một trở ngại nữa là sự ỉ lại của người dân và cơ sở, coi đây là một chương trình đầu tư, chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM, Lạng Sơn đã đạt được kết quả gì?
Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã kiện toàn phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn của 203 xã trong toàn tỉnh, 35 xã phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Đáng chú ý, về giao thông, 93% số xã có đường ô tô đi lại được bốn mùa. Có 94% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỉnh mở mới được 245 km đường giao thông nông thôn và bê tông hoá được hơn 700 km đường liên thôn. Thu nhập bình quân từ 14 triệu đồng/người/năm lên 16,5 triệu đồng/người/năm.
Còn về huy động mọi nguồn lực, người dân đã hiến đất làm trường học, đường xá 480.000 m2. Ngoài ra, người dân còn đóng góp tiền, vật liệu xây dựng. Tổng giá trị do nhân dân đóng góp là 120 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2013, trong tổng số 207 xã, đã có 15 xã đạt từ 10-15 tiêu chí xây dựng NTM, 71 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, còn lại 121 xã dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2015 có 35 xã đạt chuẩn NTM.
Lạng Sơn có những biện pháp như thế nào trong thời gian tới để đạt mục tiêu trên?
Nguồn nhân lực cho chương trình có quyết định đáng kể đến việc hoàn thành mục tiêu. Xác định được điều đó, chúng tôi đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1965.
Trong vốn xây dựng NTM và trong vốn sự nghiệp của tỉnh chúng tôi dành nguồn vốn thoả đáng trước hết đào tạo về khuyến nông cho nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh mạnh công tác tuyên truyền vận động, làm thay đổi nhận thức của cán bộ cơ sở để cho người dân hiểu người dân là chủ thể của chương trình và mục đích cuối cùng là để chính người dân được hưởng.
Song song, tỉnh vận động sự đóng góp của người dân sở tại, con em của quê hương công tác ở những địa phương khác và các chủ DN trên địa bàn. Tỉnh sẽ phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số chính sách mới ưu đãi cho các DN đóng góp cho chương trình để thu hút họ tham gia tích cực hơn.
Hiện tại, chúng tôi tập trung xây dựng xã Mai Pha và xã Chi Lăng để tạo ra mô hình làm điểm, từ đó làm mô hình rút kinh nghiệm và để các huyện khác học tập cách làm. Và tỉnh cũng hy vọng với sự đồng lòng của nhân dân, của DN thì Chương trình xây dựng NTM của tỉnh từng bước đi vào nề nếp, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã