Dự án lớn chậm tiến độ
Cụ thể, tại dự án xây dựng Trung tâm Thủy sản TP. Hồ Chí Minh, mặc dù đã được UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định triển khai thực hiện từ tháng 2/2012 nhưng bước chuẩn bị giải phóng mặt bằng, đến nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngày 14/3 vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã phải tạm ứng ngân sách 8 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ và kêu gọi huy động nguồn vốn từ xã hội cho dự án này.
Trong khi đó, tại dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học, ông Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm cho biết, trong suốt năm 2013, đa số các hạng mục của các dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch, UBND cũng đã duyệt kế hoạch bố trí vốn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay lượng vốn ngân sách thực cấp mới đạt hơn 200 tỷ đồng. “Mặc dù dự án xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới cơ bản đã hoàn thành với những hạng mục thiết bị công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, nhưng dự án đang phải dừng khâu hoàn thiện vì chưa có tiền mua dây cáp để kéo điện về”, ông Xô nói.
Ảnh minh họa
Tương tự, tại dự án xây dựng Trung tâm giao dịch và triển lãm nông sản, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho hay, mặc dù được phê duyệt từ tháng 6/2013 với tổng chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng là 131 tỷ đồng. Nhưng đến nay, đơn vị mới chỉ nhận được 20 tỷ đồng, đủ để bồi thường cho 26/90 hộ dân trong khu vực dự án…
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu NNCNC TP. Hồ Chí Minh, ngoài khu hiện hữu với quy mô 88 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi đã hoạt động từ năm 2010, thành phố đang xây dựng thêm 3 khu khác, có quy mô 500ha tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh. Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhiều dự án chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và tăng hiệu quả thương mại nông sản khác như: dự án Trung tâm Công nghệ sinh học với nhu cầu vốn khoảng 1.000 tỷ đồng, dự án Trung tâm Giao dịch và Triển lãm sản phẩm nông nghiệp với số vốn trên 500 tỷ đồng, dự án Nhà máy sữa Củ Chi công suất 40.000 tấn sữa/năm, tổng vốn đầu tư 295 tỷ đồng…
Trao đổi với phóng viên TBNH, đại diện Sở Tài chính cho rằng việc chuẩn bị vốn cho các dự án nói trên đã được Ban Kinh tế của Sở cân đối bố trí theo đúng kế hoạch được phê duyệt, việc vốn đến chậm có thể do còn vướng trong các yêu cầu về thủ tục hoàn chỉnh hồ sơ.
Trong khi đó, theo số liệu của Sở NN&PTNT, tổng nguồn ngân sách phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2013 chỉ khoảng 13.000 tỷ đồng. Hiện có hàng chục dự án NNCNC cần nguồn vốn lớn đang được triển khai. Vì thế nếu không có kế hoạch phân bổ hợp lý và huy động thêm các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài thì nhiều dự án sẽ bị treo lại vì không có vốn.
Vốn ngân hàng đáp ứng đủ
Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - ông Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, ngoài các khu NNCNC hiện có, chủ trương của thành phố vẫn khuyến khích đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ ở các quận huyện vùng ven.
Ông Phú cho rằng, nếu chỉ xét riêng khả năng cung ứng vốn cho NNCNC ở quy mô nông hộ, trang trại, dự án nhỏ thì các TCTD trên địa bàn nhiều quận huyện đã làm khá tốt. Đơn cử như tại Củ Chi, tính đến cuối tháng 2/2014, riêng Agribank Chi nhánh huyện Củ Chi đã có dư nợ trên 1.100 tỷ đồng cho vay các dự án: phát triển chăn nuôi bò sữa, bò lai Sind; trồng phong lan công nghệ tưới tự động…
Chỉ tính riêng việc cho vay nuôi bò sữa theo công nghệ bán tự động giai đoạn 2006 - 2010, toàn thành phố đã có trên 220 đề án đã được phê duyệt vay vốn tại các quận huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận II, quận Bình Chánh với gần 2.000 hộ nhận được vốn vay hỗ trợ 50%-100% lãi suất, với mức vay 50-100 triệu đồng/hộ.
Ông Phú cho hay, tại Củ Chi, do nhận thức được khó khăn về yêu cầu pháp lý trong định giá tài sản thế chấp nên UBND huyện đã đứng ra bảo lãnh tính hợp pháp của tài sản đảm bảo của các khoản vay với các TCTD, tạo điều kiện đưa mức định giá đất nông nghiệp cao hơn bình thường để người dân và các trang trại, DN vay được tối đa nguồn vốn để đầu tư.
Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Củ Chi, ông Trần Trung Định cho rằng, nguồn vốn dành cho phát triển NNCNC tại đơn vị luôn bảo đảm đủ cho nhu cầu của khách hàng. Theo ông Định, thời gian qua, dư nợ cho vay NNCNC luôn chiếm 70% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của chi nhánh. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu của nhóm cho vay này dưới mức 1% vì đa số nguồn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, khách hàng hầu như trả nợ đúng hạn.
Đánh giá về tác động hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - ông Tô Duy Lâm cho biết: “Tính đến thời điểm cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay theo Quyết định 13/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp vùng ven đô thị của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 780 tỷ đồng. Việc cho vay được các TCTD triển khai khá hiệu quả. Đa số các khoản vay đều áp dụng chính sách hỗ trợ 60-100% lãi suất cũng như thời hạn vay, công tác giải ngân theo kịp tiến độ yêu cầu của từng dự án”.
Theo thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã