Đó là những khuyến cáo được Bộ NNPTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đưa ra.
Lúa IR 50404 đang được các ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con hạn chế trồng do không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. |
Quyết liệt hạn chế sử dụng giống IR 50404
Ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch VFA cho biết: “Tính đến ngày 20.9, cả nước xuất khẩu được trên 5,4 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2,4 tỷ USD (FOB), giảm 4,4% về lượng và 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng gạo cao cấp chiếm khoảng 60%, gạo cấp thấp (25% tấm) giảm mạnh, còn có 12%”.
Gạo cấp thấp 25% tấm chủ yếu được làm từ lúa giống IR 50504. Chính vì thế, trong các vụ lúa vừa qua, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo bà con hạn chế trồng giống lúa này, song tỷ lệ sử dụng IR 50404 vẫn còn cao. Riêng vụ đông xuân 2011 – 2012, đã có sự gia tăng đột biến, nhiều nơi gieo sạ hơn 50% diện tích bằng giống lúa này.
Vụ hè thu 2012, tỷ lệ lúa IR 50404 ở ĐBSCL vẫn chiếm khá cao, hơn 20% trong khi khuyến cáo của Cục Trồng trọt là không quá 10%. Vụ đông xuân 2012 - 2013, kế hoạch sản xuất lúa ở Nam Bộ là 1,697 triệu ha, sản lượng ước đạt 11,5 triệu tấn. VFA đánh giá, năm 2013, ở thị trường gạo thơm và cao cấp, do giá gạo Thái Lan đang rất cao nên đây là lợi thế cho chúng ta vẫn có thể chen chân và phát triển được.
“Riêng gạo cấp thấp (25% tấm), trước đây, chúng ta có 2 thị trường tiêu thụ chính là Philippines và châu Phi, thì năm nay thị trường châu Phi đã rơi vào tay Ấn Độ do không cạnh tranh lại về giá. Thị trường Philippines giảm mạnh nhập khẩu gạo cấp thấp. Chính vì thế, IR 50404 chỉ nên trồng trong vụ đông xuân và thu đông với tỷ lệ thấp” – ông Bảy cho biết.
Phải đặt hàng, bao tiêu cho nông dân
Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo quyết liệt cho các địa phương trong sản xuất vụ đông xuân 2012 - 2013, diện tích sử dụng giống lúa IR 50404 không được vượt quá 20% (và không quá 15% trong vụ hè thu).
Tuy nhiên theo đánh giá, để tránh tình trạng “trống đánh một đàng, kèn thổi một nẻo”, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có những đổi mới trong năm 2013, cụ thể là đặt hàng và bao tiêu cho nông dân, chứ không thể nói “suông” với dân được. Bởi các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 4218, OM 1490, OM 4900… hiện được thương nhân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mua chỉ cao hơn lúa IR 50404 có 100 – 200 đồng/kg, trong khi đó năng suất thấp hơn, chi phí sản xuất cao hơn vì có thời gian thu hoạch kéo dài hơn, nguy cơ dịch bệnh cũng nhiều hơn...
“Muốn khuyến cáo đi vào hiện thực, nhất thiết phải chứng minh cho nông dân thấy, họ sẽ đạt lợi nhuận cao hơn khi làm theo khuyến cáo” – TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL lập luận.
Ngọc Minh
Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã