Về Đan Phượng, chúng tôi có dịp đến thăm một trong những thôn thực hiện tốt công tác xây dựng đường làng ngõ xóm, đó là La Thạch (xã Phương Đình). Nếu như trước đây, La Thạch chỉ độc canh cây ngô, mùa được mùa mất, nhiều nông dân phải bỏ ruộng ra thành phố tìm việc để kiếm thêm thu nhập thì chỉ sau 3 năm triển khai XDNTM, khu ruộng rộng 60ha đã được khoác tấm áo mới với những vườn cam, bưởi trĩu quả, cùng cánh đồng rau an toàn xanh mướt, đặc biệt là hệ thống hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Viên, Bí thư Chi bộ thôn, thực hiện kế hoạch, đề án XDNTM, Đảng ủy xã Phương Đình đã ra nghị quyết về dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Theo đó, La Thạch đã tổ chức nhiều hội nghị bàn bạc, đăng ký để làm điểm chủ trương này. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, Chi ủy thôn đã tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng 31 ngõ, ngách có chiều dài 3.499m, làm rãnh thoát nước có nắp đậy kín dài 3.265m, mặt đường rộng bình quân 3,8m. Trong đó, nhân dân đóng góp 5.000 ngày công lao động, hiến đất, tiền của, vật liệu, tổng giá trị đóng góp của bà con đạt trên 3 tỷ đồng.
Không chỉ quan tâm đến việc làm đường sá, La Thạch còn chú trọng tu bổ các khu di tích, cổng làng, cổng chào theo phương châm xã hội hóa, với số tiền đóng góp trên 4 tỷ đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện XDNTM ở địa phương, ông Viên cho biết: “Có thể nói, những công trình ở thôn La Thạch đã mở màn cho việc thực hiện thành công nhiệm vụ làm đường giao thông nông thôn ở Phương Đình. Lúc đầu, thôn chỉ định thí điểm làm đường giao thông tại một xóm giữa làng, nhưng sau khi phát động, việc xây dựng đường làng ngõ xóm trở thành phong trào, tất cả người dân trong thôn đều nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp cả kinh phí và công sức. Sau 50 ngày phát động kể từ đầu tháng 3/2012, thôn đã hoàn thành 23 tuyến đường xóm bằng bê-tông, chiều dài 3.265m và 2.767m cống rãnh. Đầu tháng 11/2012, thôn tiếp tục khởi công xây dựng 2.022m đường còn lại. Trong quá trình xây dựng, nhiều gia đình đã đóng góp từ 0,8 - 1,4 triệu đồng/khẩu, nhiều hộ kinh tế khó khăn cũng quyết tâm đóng làm 2 lần.
Để làm được điều đó, ngoài tinh thần tự nguyện đóng góp của người dân, ông Viên cũng như đội ngũ cán bộ thôn đã dành nhiều thời gian trực tiếp nghiên cứu kỹ địa hình, xung phong hiến đất và vận động các hộ khác cùng hiến đất nắn thẳng tuyến, mở rộng đường. Bên cạnh việc phân công chi ủy viên phụ trách đoàn thể tham gia từng phần việc, ông Viên đích thân vận động các hộ trong thôn tích cực hưởng ứng, đóng góp công sức, tiền bạc để làm đường.
Một mô hình khác cũng được coi là điểm nhấn trong quá trình XDNTM ở Hà Nội là mô hình trồng rau an toàn ở HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Theo ông Tạ Đăng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Tiền Yên, dự án trồng rau an toàn đang là đòn bẩy góp phần thúc đẩy sản xuất, XDNTM ở địa phương, với gần 1.000 hộ tham gia trồng rau, giúp khoảng 3.000 lao động có thu nhập ổn định.
Hay ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức), nhiều năm trước, người dân ở đội 1 liên tục phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, âu lo vì tình trạng sạt lở bờ sông Đáy ngày càng nghiêm trọng. Khi bắt tay vào XDNTM, người dân nơi đây đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng kè và làm đường giao thông. Theo lãnh đạo địa phương, cái được lớn nhất ở Phùng Xá là “ý Đảng lòng dân” đã trở thành khối thống nhất. Theo đó, người dân được tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nên ai cũng hiểu rõ chủ trương XDNTM, về lợi ích của việc xây dựng kè, làm đường, chính quyền cũng tích cực khơi dậy tinh thần tự nguyện tham gia đóng góp của người dân. Chả thế mà bà con nơi đây đã hiến gần 700m2 đất ở, hơn 3.000m2 đất nông nghiệp và đóng góp được hàng chục tỷ đồng.
Nhận định về công tác XDNTM của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề hết sức quan trọng đối với Thủ đô. Do đó, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, XDNTM, từng bước nâng cao đời sống người dân là 1 trong 9 chương trình công tác lớn của cả nhiệm kỳ Đảng bộ thành phố khóa XV và sẽ dành nhiều ưu tiên, nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược này.
“Để công tác XDNTM phát huy hiệu quả, ngoài việc quan tâm nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, cũng cần tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong XDNTM”, ông Nghị nói.
Trâm Anh
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã