* Tất nhiên cái khó lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới là việc huy động nguồn vốn đầu tư cho 19 tiêu chí của Trung ương đề ra. Còn những cái khó bên cạnh là gì, thưa ông?
- Ông Võ Thành Hạo: Để xây dựng thành công xã nông thôn mới, cần sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm đầu tư hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương, sự tham gia tích cực của nhân dân. Khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua là việc huy động nguồn vốn để thực hiện 19 tiêu chí. Ngoài ra, còn những khó khăn khác như việc phát triển các mô hình sản xuất để tăng thu nhập người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt là thay đổi nhận thức để thống nhất hành động.
Trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là vai trò của người dân tham gia cùng với Đảng bộ và chính quyền xã thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là công việc khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, tỉnh có quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả thật sự, chưa có tính nhân rộng. Đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các doanh nghiệp chưa liên kết tốt với người sản xuất. Do đó, mức thu nhập của người dân chưa đạt như mong muốn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo (bìa phải) tặng cờ cho xã Phú Nhuận đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2014. (Ảnh: PLHH)
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường còn gặp khó khăn trong việc xử lý, nhất là môi trường chăn nuôi do còn tình trạng chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ chưa tập trung, khó khăn trong xử lý rác thải, nước thải hộ gia đình, tạo cảnh quan môi trường chung.
* Xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, trước đây là xứ sở của chà là gai, nắng bụi, mưa bùn. Vì sao Bến Tre "dám" chọn nơi đây xây dựng xã nông thôn mới đầu tiên tại tỉnh Bến Tre?
- Xã Châu Bình trước đây là vùng căn cứ cách mạng trong thời kháng chiến, người dân nơi đây có tính cần cù, chịu khó, hăng say trong lao động, sản xuất, luôn có ý chí vươn lên, tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp. Năm 2006, xã đã xây dựng thành công xã văn hóa, theo đó đã có các thiết chế về văn hóa, các mô hình sản xuất được tập trung đầu tư và nhân rộng, hệ thống chính trị được củng cố, hệ thống thủy lợi được hoàn chỉnh phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là ý thức của người dân trong tham gia xây dựng xã văn hóa.
Từ những thành quả đó, sau khi xem xét đánh giá về đầu việc của các xã trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết định chọn xã Châu Bình là một trong 25 xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Khi mới bắt đầu xây dựng xã nông thôn mới, Châu Bình chỉ đạt 8/19 tiêu chí, nhưng do không ngừng nỗ lực, phấn đấu của hệ thống chính trị và nhân dân, sau 3 năm thực hiện, Châu Bình đã không phụ lòng và mong muốn của cả tỉnh. Chúng ta có thể nhận ra một điều: một xã trước kia rất nghèo rất lạc hậu nhưng nếu có sự đồng lòng chung sức, có quyết tâm chính trị rõ ràng thì không khó khăn nào ngăn bước họ được.
* Ở Bến Tre, một số xã trước đây được công nhận là xã văn hóa nhưng hiện nay không còn giữ được một số tiêu chí. Theo ông, vấn đề đặt ra cho các xã đó là gì?
- Hiện nay, các xã từng được công nhận xã văn hóa có một số tiêu chí có suy giảm, đa phần những việc do người dân tự làm, không đầu tư nhiều kinh phí, người đứng đầu một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong việc củng cố, nâng chất các tiêu chí. Do đó vấn đề đặt ra trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung củng cố, nâng chất các thiết chế văn hóa, gia đình văn hóa, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng văn hóa sâu rộng trong dân cư gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường tuyên truyền người dân tích cực thực hiện những việc do dân làm, nhất là các thiết chế gia đình văn hóa, nâng cao tỷ lệ người dân có hố xí hợp vệ sinh, ý thức giữ vệ sinh môi trường cảnh quan, không còn các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.
Rà soát lại các biện pháp chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện vừa qua để sửa chữa lại cho phù hợp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất và chất lượng nhằm nâng mức thu nhập người dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội ổn định tạo sự an tâm trong dân; quán triệt phương châm "Đảng định hướng, dân là chủ thể, chính quyền tổ chức và thực hiện kế hoạch, Mặt trận làm nòng cốt để vận động", gắn với việc xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
* Ở tầng cao hơn là xã nông thôn mới, để giữ vững và phát huy 19 tiêu chí đã đề ra, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Bến Tre đã và sẽ luôn rà soát vấn đề gì?
- Xây dựng xã nông thôn mới đã khó nhưng để giữ vững và phát huy 19 tiêu chí càng khó hơn. Do đó, đối với các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, cần phải tiếp tục duy trì và tập trung củng cố nâng chất các tiêu chí đã đạt.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương phát huy hơn nữa tiềm lực của địa phương để duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về nhà ở dân cư, phát triển sản xuất, các thiết chế văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện lồng ghép nhuần nhuyễn các nguồn lực, triển khai tốt các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần nâng cao mức thu nhập người dân. Tiếp tục duy trì phát triển tổ tự quản, nhân rộng các mô hình có hiệu quả để cùng giúp nhau tiến bộ, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, không để xảy ra mâu thuẫn trong cộng đồng, kéo giảm tệ nạn xã hội, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, địa phương cần phân công cán bộ theo dõi từng tiêu chí, thường xuyên hỗ trợ các ấp, tổ tự quản và nhân dân duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được.
Là người con của quê hương Giồng Trôm, bà con thấy ông là người rất tâm huyết với việc xây dựng nông thôn mới, ông có thể giãi bày tình cảm của mình?
- Thay đổi diện mạo quê hương, xây dựng nông thôn giàu đẹp, làm cho đời sống người dân hạnh phúc no ấm là tâm nguyện và trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng tôi. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình hướng đến mục tiêu đó. Chính vì vậy tôi thật sự có cảm hứng khi trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình này. Làm bất cứ việc gì mà không có cảm hứng sáng tạo, không quyết liệt hành động và trách nhiệm cao thì khó đem lại kết quả. Tôi tâm huyết với nông thôn mới là vì thế. Nếu được phép giãi bày tình cảm thì tôi xin được bộc bạch rằng: Nông thôn, nông nghiệp và nông dân sẽ mãi mãi nghèo và lạc hậu nếu không quyết liệt thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng đừng ảo tưởng là sẽ có ngay nông thôn mới trong một vài nhiệm kỳ. Đây là công việc mang tính thế hệ. Đến khi nào nông dân sống trong những biệt thự vườn liền kề nhau, sản xuất chủ yếu bằng cơ giới và được vận hành bởi các hợp tác xã trên những cánh đồng và khu vườn lớn thì lúc đó chúng ta mới có một nông thôn mới thật sự.
Theo nongthonmoi.bentre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã