Học tập đạo đức HCM

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015

Thứ năm - 12/07/2012 21:03
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã xác định tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.

Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật

Quảng Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhưng có nhiều đặc điểm riêng biệt khác với các tỉnh khác trong vùng. Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị đặc biệt đối với vùng Ðông Bắc của Tổ quốc, có 118,5 km đường biên giới trên bộ giáp với Trung Quốc; có khoảng 250 km bờ biển trải dài khắp chiều dài của tỉnh với nhiều điểm rất thuận lợi cho việc phát triển hệ thống cảng biển nước sâu; có ba khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (Hải Hà) và KTT cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Phát huy lợi thế đó, trong nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân của cả nước. Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, song Quảng Ninh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GDP của tỉnh tăng 12,1% so với năm 2010. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục đứng vào tốp năm tỉnh có số thu cao nhất cả nước. Việc phấn đấu tăng thu đã giúp Quảng Ninh giải quyết được một phần nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong những năm qua, kế thừa những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước, tỉnh đã tập trung bám sát chỉ đạo của Trung ương, xây dựng Quy hoạch và Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn và từng năm; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương bằng cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo hình thức BT, BOT, PPP... Vì vậy nhiều công trình hạ tầng quan trọng, thiết yếu được hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển chung của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ðặc biệt, tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai nhiệm vụ và những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận và phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương và sự ủng hộ của nhân dân để triển khai được nhiều công việc khó, việc lớn.

Cụ thể, đối với hệ thống giao thông đang từng bước đầu tư hoàn thiện. Hệ thống cảng biển, đã nâng cấp và mở rộng cảng Cái Lân đưa vào khai thác các bến số 1, 5, 6, 7 cho các tàu có trọng tải đến 50.000 DWT; đầu tư các bến số 2, 3, 4 để hoàn thành toàn bộ cảng theo công suất 21 triệu tấn/năm vào cuối năm 2012. Tiếp tục đầu tư các bến số 8, 9 để nâng công suất cảng lên 30 triệu tấn/năm vào năm 2015. Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư xây dựng cảng biển và Khu công nghiệp (KCN) Ðầm Nhà Mạc tại thị xã Quảng Yên để nâng cao khả năng thông qua cảng cửa ngõ Lạch Huyện, phục vụ KCN Ðầm Nhà Mạc. Ðặc biệt, để phát triển thế mạnh vùng nước sâu khu vực Hải Hà thuộc KCN - cảng biển Hải Hà, tỉnh đã kêu gọi đầu tư và đã có hai nhà đầu tư vào nghiên cứu tại khu vực này là: Tập đoàn INDEVCO tiếp nhận dự án đầu tư từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đang nghiên cứu đầu tư cảng biển nước sâu tại đảo Cái Chiên và Hòn Miều. Cảng Cẩm Phả đang được ngành than tập trung đầu tư để làm đầu mối cảng biển phục vụ xuất than. Hiện tỉnh đang tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư các cảng: Vạn Gia (TP Móng Cái), Mũi Chùa, Vạn Hoa (Vân Ðồn)... nhằm tăng năng lực hàng hóa thông qua cảng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho các tỉnh trong vùng và các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và KKT Vân Ðồn thông qua cảng Vạn Hoa và Mũi Chùa.

Về cầu và đường bộ, đối với các tuyến quốc lộ (tuyến đường huyết mạch), Quảng Ninh đã hoàn thành cải tạo nâng cấp 43 km quốc lộ 279 (đạt cấp III và cấp V), 24 km quốc lộ 4B (đạt cấp IV); hoàn thành 135 km đường cấp III đoạn Cửa Ông - Mông Dương - Móng Cái tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và khách du lịch qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng nhanh; gấp rút hoàn thành dự án cải tạo nâng cấp 50 km đường quốc lộ 18C từ Tiên Yên lên cửa khẩu Hoành Mô vào cuối năm 2012. Phối hợp Bộ GTVT cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ của tỉnh. Xúc tiến đầu tư xây dựng đường 4B kéo dài và cầu Vân Tiên nối huyện Tiên Yên với Vân Ðồn (dự kiến tổng mức lên tới 90 triệu USD); chuẩn bị cùng với nước bạn Trung Quốc xây dựng cầu thứ hai qua sông Bắc Luân. Ðặc biệt tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư, trình Chính phủ xây dựng đường nối TP Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BT, BOT.

Với tuyến đường tỉnh, hiện tại có 14 tuyến, dài 383 km đã được đưa vào khai thác từ trước, tỉnh đang gấp rút hoàn thành đường tỉnh 340 từ Hải Hà lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh; tuyến đường tránh TP Hạ Long, đường tỉnh 329 từ TP Cẩm Phả đến trung tâm huyện miền núi Ba Chẽ. Hiện nay, khó khăn lớn nhất cho việc phát triển hạ tầng là nguồn vốn. Các địa phương trong tỉnh đã rất chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng giao thông với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" như Uông Bí, Quảng Yên, Hải Hà, Ðông Triều... Ðối với đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long, Bộ GTVT đang lựa chọn nhà đầu tư để trình Chính phủ sớm xây dựng, Hạ Long - Móng Cái, Bộ GTVT đang cho lập báo cáo tiền khả thi, Chính phủ đã cho phép tỉnh xúc tiến đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để trình Chính phủ cho triển khai, hiện đã có một số nhà đầu nước ngoài quan tâm đến dự án này.

Về đường sắt, đang gấp rút thi công nâng cấp tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; đồng thời nghiên cứu tuyến đường sắt Lạng Sơn - Mũi Chùa. Về hàng không, quy hoạch cảng hàng không Quảng Ninh đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại xã Ðoàn Kết (Vân Ðồn). Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1564/QÐ-BGTVT ngày 4-7-2012 bổ sung vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT.

Với hệ thống giao thông nông thôn, hiện tại tổng chiều dài đường huyện là 1.059 km (76,3% đã được cứng hóa mặt đường), đường xã là 1.287 km (60% đã được cứng hóa mặt đường). Từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng mới 500 km và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn để đáp ứng mục tiêu 100% đường huyện, xã đi lại thuận tiện. Trong đó, tỷ lệ mặt nhựa, bê-tông, xi-măng đạt 80%, riêng đường huyện đạt 100%. Một số các tuyến đường cấp thấp hơn sẽ được đầu tư từng bước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Quảng Ninh phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2015.

Riêng đối với hạ tầng giao thông liên vùng, tỉnh đã tham gia tích cực vào Dự án nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn Quảng Ninh - Hải Phòng), thảm bảo trì mặt đường đoạn Bắc Ninh - Uông Bí, xây dựng cầu Ðá Vách và chuẩn bị xây dựng cầu qua bến Triều nối Hải Dương với Quảng Ninh, phối hợp với Hải Phòng chuẩn bị dự án xây dựng cầu Xuân Yên nối Hải Phòng với Quảng Ninh, xây dựng tuyến phà Tuần Châu - Gia Luận (Cát Bà), xây dựng tuyến đường Ðông Triều - Lục Nam nối với Bắc Giang... Hiện nay tỉnh tiếp tục triển khai các công trình giao thông có tính chất quan trọng đối với cả vùng nằm trên địa bàn Quảng Ninh: Tuyến đường nối Quảng Ninh với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay Vân Ðồn, các tuyến cao tốc Hà Nội - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái.

Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh cũng đã quan tâm thực hiện hạ tầng điện lực. Trên địa bàn tỉnh đã có một số nhà máy nhiệt điện công suất lớn được đầu tư, với tổng công suất dự kiến khoảng hơn 5.700 MW nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển. Ðặc biệt với quyết tâm phủ kín điện lưới quốc gia, trong năm 2012 tỉnh đã hoàn thành giai đoạn I đầu tư lưới điện nông thôn tại 22 thôn, khe bản thuộc bảy xã nằm sát khu vực biên giới Việt - Trung của ba địa phương Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái và đang triển khai giai đoạn II của dự án. Riêng đối với dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô và các xã đảo còn lại của huyện Vân Ðồn, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh đã huy động được nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp để triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2013.

Ưu tiên đặc biệt cho hạ tầng xã hội

Bên cạnh việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt trong đầu tư từ ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư từ bên ngoài đối với hạ tầng phục vụ cho phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong những năm qua, riêng nguồn ngân sách tập trung của tỉnh và vốn CTMT quốc gia đã chi 2.827 tỷ đồng đầu tư các công trình, dự án hạ tầng giáo dục. Vì vậy các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư khang trang. Ðến năm 2010, 100% số phòng học tạm được xây dựng kiên cố và có đủ nhà công vụ cho giáo viên (sớm hơn quy định của Trung ương 5 năm). Ðể khắc phục tình trạng quá tải của các bệnh viện, trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để xây mới, nâng cấp các bệnh viện. Với 2.363 tỷ đồng chi cho lĩnh vực này, đến năm 2010, 100% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đã được đầu tư xây mới như: Bệnh viện Lao và phổi, Bệnh viện Y học dân tộc, Bệnh viên đa khoa khu vực Bãi Cháy, Mở rộng khối điều trị Bệnh viện đa khoa tỉnh, khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi. Ðến năm 2011 số giường bệnh/vạn dân đạt 41,5 giường (cao gấp hai lần so với mức bình quân chung của cả nước). Ngoài nỗ lực phấn đấu đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh còn làm tốt ở một số hoạt động xã hội được Trung ương đánh giá cao như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo; Ðề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý... Năm 2010, toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho 3.616 hộ nghèo, về trước hai năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 167/2008/QÐ-TTg.

Việc triển khai đầu tư các khu di tích trọng điểm đang từng bước được hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Nhà Trần tại huyện Ðông Triều; Quy hoạch tôn tạo, khôi phục cụm di tích Chiến thắng Bạch Ðằng; Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; Cụm di tích thương cảng Vân Ðồn... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các công trình văn hóa, thể thao của tỉnh được khởi công xây dựng như: Trung tâm Thể thao vùng Ðông Bắc, tại đây có Nhà thi đấu 5.000 chỗ; Khu văn hóa núi Bài Thơ; Ðầu tư tổng thể Khu văn hóa Thể thao tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long gồm: Nhà thư viện, Bảo tàng, Trung tâm tổ chức hội chợ và triển lãm đang được tích cực triển khai thực hiện, riêng Quảng trường trung tâm đã được hoàn thành trong năm 2011.

Tập trung bốn lĩnh vực đột phá

Ðể có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào bốn lĩnh vực trọng tâm theo  mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4, đó là: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng đô thị lớn. Ðể thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để tiếp tục kêu gọi và xúc tiến đầu tư (đầu tư giai đoạn 2011-2015) đối với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Móng Cái đáp ứng yêu cầu phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, giao lưu hàng hóa với Trung Quốc, đồng thời là tuyến đường hậu cần hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội trong vành đai biên giới Việt - Trung tỉnh Quảng Ninh và phát triển kinh tế biển. Nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc từ Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng trước năm 2012 tuyến Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh) kết nối với các KCN Hoành Bồ, KCN dịch vụ Ðầm Nhà Mạc với các KCN và hệ thống cảng biển của TP Hải Phòng. Tiếp tục bố trí vốn để đẩy nhanh tiến bộ thi công sớm hoàn thành dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Ðồng thời xem xét điều chỉnh bổ sung quy hoạch các cảng biển: Cẩm Phả, Hải Hà thành cảng tổng hợp; nâng cấp khu chuyển tải Vạn Gia thành cảng biển Vạn Gia (Móng Cái). Cho phép tỉnh Quảng Ninh được triển khai dự án Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn có casino tại KKT Vân Ðồn. Chấp thuận cơ chế đặc thù trên cơ sở đầu tư BOT kết hợp BT hoặc PPP liên doanh mở một số trường đại học quốc tế, xây dựng bệnh viện quốc tế, khu vui chơi giải trí, khu văn hóa thể thao; hỗ trợ đầu tư một số thiết chế văn hóa thể thao tại Trung tâm thể thao vùng Ðông Bắc; đầu tư tôn tạo di tích Bạch Ðằng, Yên Tử và hệ thống di tích nhà Trần...

Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm được xây dựng đồng bộ, giúp Quảng Ninh sớm hoàn thành mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.

Theo Nhandan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập235
  • Hôm nay27,459
  • Tháng hiện tại894,970
  • Tổng lượt truy cập90,958,363
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây