Chuyển đổi để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp
Vào đầu năm 2011, huyện Đông Anh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Với đặc thù của một huyện nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch của thành phố, nên diện tích gần 10 nghìn ha đất nông nghiệp của toàn huyện phải dành hơn một phần hai cho mục tiêu phát triển chung của thành phố. Với số diện tích đất còn lại chưa đầy 2.000 ha, tập trung tại sáu xã phía đông của huyện đã đặt Đông Anh trước bài toán buộc phải quy hoạch lại sản xuất. Lãnh đạo huyện xác định, nông nghiệp vẫn là chủ lực để phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng và địa phương nói chung.
Bằng quyết tâm làm nhanh, làm gọn, đến đâu chắc đến đó, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, toàn bộ số diện tích đất nông nghiệp manh mún được quy hoạch lại, giảm số thửa (tính trên đầu mỗi hộ gia đình) từ tám đến chín thửa xuống còn một đến hai thửa. Cùng với việc làm tốt công tác DĐĐT, huyện đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng cơ sở, khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nhằm hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng, đón đầu nhu cầu của người dân trong tiêu thụ hàng hóa nông sản. Nhờ đó mà giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất canh tác đạt 90,2 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm 2010. Nâng mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 30 triệu đồng/người/năm (năm 2014), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,9% năm 2010 xuống còn 1,24% năm 2014.
Trong cái khó, ló cái khôn, để khắc phục những bất cập của một huyện không hoàn toàn thuần nông, những năm qua, huyện Đông Anh có những dịch chuyển lớn trong việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho bà con nông dân. Đơn cử như vùng chuyên canh trồng giống lúa nếp cái hoa vàng chất lượng cao 650 ha tại xã Thụy Lâm và xã Dục Tú; vùng trồng hoa nhài diện tích 10 ha tại xã Xuân Nộn; vùng sản xuất rau an toàn 800 ha tại xã Vân Nội và xã Tiên Dương... Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân xã Xuân Nộn cho biết: "Gia đình tôi đã chuyển đổi một phần ruộng sang trồng hoa nhài, cho thu nhập cao gấp hai đến ba lần trồng lúa, đặc biệt vào những dịp lễ tết thì lợi nhuận có khi lên đến năm, sáu lần. Chúng tôi rất phấn khởi và có thể bảo đảm cho các con ăn học...".
Huyện duy trì và phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình quy mô vừa và nhỏ. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có 230 trang trại được phê duyệt, nhiều trang trại đã đi vào hoạt động. Trong đó có một trang trại chăn nuôi lợn và hai trang trại chăn nuôi gà được công nhận mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng VietGap.
Quy tụ lòng dân xây dựng NTM
Để thúc đẩy chương trình xây dựng NTM phát triển mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, trong bốn năm qua, huyện Đông Anh đã phát động nhiều phong trào thi đua trong đó phải kể đến phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM". Cùng với đó là các nội dung thi đua chuyên đề đang được triển khai tích cực và nhận được sự đồng thuận, nhiệt tình tham gia của nhân dân trong huyện như: "Vệ sinh môi trường nông thôn", "Phát triển đường giao thông nông thôn"... nhằm phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của huyện. Nhờ đó, các dự án phát triển quy hoạch lại làng nghề, huy động vốn cho xây dựng cơ bản, giao thông nông thôn nhanh chóng được hoàn thiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Trần Nam không giấu được niềm vui khi trò chuyện với chúng tôi: "Nhờ có sự đồng thuận của dân, nên lãnh đạo huyện chúng tôi không ngại khó, ngại khổ để sang huyện Phú Xuyên học hỏi kinh nghiệm về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật gieo cấy mạ khay cho cấy máy... tiết kiệm được 54 triệu đồng/ ha".
Áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng của một nền nông nghiệp bền vững, nhưng không phải địa phương nào cũng có nguồn lực để thực hiện giấc mơ cơ giới hóa. Nắm bắt được nhu cầu về vốn trong sản xuất của người nông dân, TP Hà Nội đã ban hành quyết định về hỗ trợ kinh phí cho nông dân thực hiện xây dựng NTM, trong đó có hỗ trợ lãi suất thấp, trả chậm cho nông dân đầu tư máy móc. Nhờ có quyết định này, nông dân huyện Đông Anh có thêm nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập và ổn định kinh tế. Khi đã mạnh về kinh tế thì mọi trở ngại về kinh phí trong xây dựng cơ bản vốn là nút thắt không dễ gỡ trong xây dựng NTM tại nhiều địa phương thì với Đông Anh đã nhanh chóng được giải quyết.
Hàng chục doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã cam kết ủng hộ với số tiền lên đến gần 130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cá nhân cũng tích cực đóng góp bằng tiền và hiện vật lên đến xấp xỉ 180 tỷ đồng. Hàng trăm hộ dân ủng hộ hàng nghìn m 2 đất nông nghiệp, thổ cư để mở đường, xây nhà văn hóa thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Đáng chú ý, có gia đình ông Tạ Văn Cương ở xã Mai Lâm đã hiến 150 m2 đất ở, gia đình ông Trần Văn Mã xã Việt Hùng hiến 700 m2 đất nông nghiệp cho chính quyền làm NTM... Khi được hỏi về những quyết định vốn khó khăn với nhiều người vào thời buổi " tấc đất, tấc vàng", các ông đều vui vẻ khẳng định: Đó là việc nên làm, vì tập thể, vì sự phát triển chung của làng, xã và vì thế hệ tương lai.
Quy tụ được lòng dân, thực hiện sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ chính là kinh nghiệm làm NTM của huyện Đông Anh, một trong những huyện điểm của TP Hà Nội trong xây dựng NTM.
Theo: nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã