Ngày 22/6, ngày cuối cùng trong chuyến làm việc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn
Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của Bắc Kạn ước đạt 230 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch. Các khoản thu đạt khá như thu ngoài quốc doanh, phí và lệ phí. Các khoản thu đạt thấp là thu tiền sử dụng đất, thu cấp quyền khai thác khoáng sản.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì, đáng chú ý là việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2016, Bắc Kạn phấn đấu có thêm 8 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trạm lên 108/122.
Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, Bắc Kạn còn 29,4% hộ nghèo; 12% hộ cận nghèo.
Về chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn thừa nhận chưa đạt mục tiêu đề ra. Cho đến nay, sau 5 năm thực hiện, Bắc Kạn vẫn chưa có một xã nào đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tiến độ xây dựng đề án và quy hoạch nông thôn mới còn chậm. Chất lượng đề án còn thấp so với yêu cầu. Đa số các dự án chỉ chú trọng quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, việc quy hoạch chi tiết sản xuất cụ thể; chưa xác định phương hướng phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực tại địa phương.
Cho đến nay, Bắc Kạn chưa có xã nào đạt tiêu chí về cơ sở văn hóa. Nguyên nhân là do việc thực hiện xây dựng nhà văn hóa xã, thôn, khu thể thao xã, thôn theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, mặt bằng. Cho dù, 5 năm qua, Bắc Kạn đã lồng ghép các chương trình, dự án nhưng toàn tỉnh mới chỉ xây dựng được 3 nhà văn hóa xã, 39 nhà văn hóa thôn. Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng, các tiêu chí về nhà văn hóa đang rất cứng, khó áp dụng với các tỉnh miền núi, không chỉ riêng Bắc Kạn.
Tiêu chí về đường giao thông mới chỉ có 2/110 xã đạt tiêu chí; điện nông thôn có 68/110 xã đạt tiêu chí; 85/110 xã đạt tiêu chí về y tế; 9/110 xã đạt tiêu chí về trường học… Như vậy, tiêu chí mà Bắc Kạn đạt cao nhất là tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tiêu chí về bưu điện đều đạt 97/110 xã.
Cho đến nay, Bắc Kạn chỉ có 2 xã đạt 15-16 tiêu chí, 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí và bình quân mỗi xã chỉ đạt 8 tiêu chí nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bắc Kạn là tỉnh miền núi đặc biệt duy nhất trong cả nước có dân số dưới 500.000 dân, mật độ trung bình 64 người/km2. Hàng năm, thu ngân sách của Bắc Kạn tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, hộ nghèo giảm so với từng năm. Với nguồn nhân lực và những đặc thù riêng như vậy, kết quả mà Bắc Kạn đã đạt được đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng còn những hạn chế như diện tích trồng rừng vẫn còn thấp; Xây dựng nông thôn mới chưa đạt được như mong muốn. Về công tác này, cho đến nay, Bắc Kạn chưa có một xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch Quốc hội đặt giả thuyết, nếu năm nay, Bắc Kạn phấn đấu đạt 4 xã tiêu chí nông thôn mới, như vậy 5 năm tới, với tiến độ này, sẽ khó đạt được mục tiêu.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Nguyên nhân chính là do nguồn vốn thấp. Việc huy động từ dân, doanh nghiệp còn hạn chế, khó khăn. Năm nay hoàn thành 4 xã, nhiệm vụ này cũng không dễ, tương tự như trồng rừng. Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ tích cực hơn để không có sự chênh lệch giữa các địa phương trong cả nước khi thực hiện mặt bằng chung về xây dựng nông thôn mới. Nếu không có cơ chế tích cực, chính sách hỗ trợ mạnh hơn thì chắc chắc sẽ có độ chênh rất lớn giữa các tỉnh. Quốc hội sẽ nghiên cứu các chính sách này".
Về tình hình phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bắc Kạn cần phải đón đầu về phát triển đường giao thông, đường cao tốc để phát triển kinh tế liên vùng.
Du lịch hồ Ba Bể là viên ngọc quý của Bắc Kạn, nên phải chú ý hình thành tour du lịch liên kết từ đây đi Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội. Đây là ngành công nghiệp không khói, Bắc Kạn có tiềm năng nên phải thu hút đầu tư hạ tầng, quy hoạch để du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn phải làm tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; gắn xây dựng nông thôn mới với sản xuất cho người dân; quan tâm đến việc dạy nghề, làm nghề cho các đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo để người dân có cuộc sống bình yên.
Cũng giống như những địa phương khác như Lạng Sơn, Cao Bằng, đề xuất với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị nên có một chính sách đặc thù để thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; phân bổ ngân sách, phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; chính sách đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công tác tại tỉnh, các huyện, xã có điều kiện kinh tế khó khăn; hướng dẫn cụ thể quy định về đại biểu chuyên trách các ban Hội đồng Nhân dân các cấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Chính sách cho Hội đồng Nhân dân các cấp, Quốc hội sẽ rà soát và trả lời riêng cho Bắc Kạn. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ thẩm tra lại việc thực hiện Luật chính quyền địa phương có gây ách tắc, nếu làm cho phức tạp hơn, khó khăn hơn sẽ đề nghị Chính phủ có ý kiến".
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội làm việc với lãnh đạo huyện Chợ Mới, thăm và tặng quà cho hộ gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh./.
Lê Tuyết/VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã