Trong năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo sẽ đạt 8 tỷ USD do nhu cầu tăng từ các thị trường. Nhất là khi 7 tháng đầu năm 2017, ngành thủy sản duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu khá, tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,32 tỷ USD.
Mức dự báo này khác hẳn với đầu năm nay khi VASEP dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2017 chỉ vào khoảng 7,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn kém lạc quan hơn vào năm nay khi nhận thấy những bất lợi về hàng rào kỹ thuật đối với xuất khẩu thủy sản trên thị trường Mỹ, Australia, EU…
Nâng sức cạnh tranh
Với con cá tra, ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng do chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định mới phía Mỹ đặt ra nên cá tra, cá basa Việt Nam có nguy cơ bị ngừng nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ tháng 3/2018.
Một trong những nguyên nhân là do trong các tháng đầu năm nay, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm tra ngẫu nhiên và đã phát hiện 250.000kg cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP).
Cách đây hơn một tháng, bà Sarah Ockman, Giám đốc Chương trình ATTP Toàn cầu của IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cũng cho biết có 42 tấn cá từ Việt Nam xuất sang Mỹ bị trả lại vì không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về quy trình kiểm tra dư lượng kháng sinh.
Có thể thấy, ngoài việc không đáp ứng được các yêu cầu về ATTP thì rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, cũng như việc bôi nhọ từ một số thị trường nhập khẩu đang là thách thức lớn với ngành thủy sản Việt Nam trong tương lai.
Đây cũng là những vấn đề được lãnh đạo Tổng cục Thủy sản lưu ý nhân buổi họp báo ngày 10/8 ở Tp.HCM nhằm giới thiệu về Triển lãm quốc tế chuyên ngành thủy sản hàng đầu Việt Nam – Aquaculture Vietnam 2017 (diễn ra từ 25 – 27/10 tại Cần Thơ).
Các nhà sản xuất, chế biến thủy sản Việt nên thay đổi tư duy về việc “xoay trục” ngành của mình
Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), vấn đề ngành thủy sản cần quan tâm hiện nay chính là chất lượng con giống, dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu, dịch vụ và phát triển bền vững.
Ông Hải cho biết, Bộ NN&PTNT đã và đang “xoay trục” cho định hướng phát triển của ngành thủy sản. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thời gian qua đã phê duyệt hai đề án quan trọng. Thứ nhất là ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến thủy sản nhằm đẩy mạnh năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản, nhất là tôm nước lợ và cá tra. Thứ hai là thực hiện đề án nâng cao sức cạnh tranh của ngành thủy sản.
Cần chuỗi giá trị đúng nghĩa
Cũng theo ông Hải, có một hệ thống chính sách đang được dịch chuyển đồng bộ, nhất là về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Và thời điểm này là cơ hội tốt nhất cho ngành thủy sản để tái cơ cấu.
Theo đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các nhà quản lý lựa chọn để tập trung cho việc “xoay trục” ngành thủy sản. Do khu vực này hiện nay đang cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng thủy sản nuôi trồng; đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước hàng năm.
Theo quy hoạch tổng thể, đến năm 2020 và định hướng 2030, kinh tế thủy sản ĐBSCL đóng góp 30 – 35% GDP trong khối nông lâm ngư nghiệp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản 8 – 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 – 70% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, giữa mong muốn “xoay trục” chính sách với thực tế là cả vấn đề nan giải. Ts. Lê Thanh Lựu – Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng & Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) – nhận định, thách thức lớn nhất với ngành thủy sản là chất lượng sản phẩm. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay thường cạnh tranh bằng giá thấp, cho nên đi theo đó là chất lượng thấp.
Vì vậy, trước nhiều thách thức phải đối mặt, ông Lựu khuyến nghị các nhà sản xuất thủy sản Việt nên thay đổi tư duy về việc “xoay trục” ngành của mình. Chẳng hạn với xuất khẩu tôm, mặt hàng tôm sú (đang chiếm 45% trong tổng sản lượng chung) luôn là mặt hàng thương mại, đây là cơ hội không phải quốc gia nào cũng sánh kịp, có thể khống chế được thị trường xuất khẩu.
Sức mạnh thứ hai là cá tra. Gần như 95% sản phẩm trên thị trường quốc tế cạnh tranh về cá tra là do Việt Nam sản xuất. Theo ông Lựu, tôm và cá tra là hai sức mạnh, là cơ hội cho ngành thủy sản làm giàu. Nhưng cơ hội đó chưa chắc sẽ có được nếu như chúng ta không biết biến nó thành hiện thực.
Điều đó có nghĩa là phải “xoay trục” lại chuỗi giá trị ngành thủy sản. Thực tế hiện nay, chưa có doanh nghiệp thủy sản nào làm theo chuỗi giá trị đúng nghĩa dù họ tự nhận là mình làm theo chuỗi.
Nói như vị giám đốc ICAFIS, chuỗi giá trị là phải khi nào có tính liên kết và tính kết dính với nhau. Khi lập được chuỗi, ngành thủy sản Việt Nam sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giảm được việc thâm dụng lao động và tăng sức cạnh tranh. Chỉ tới khi đó, giá trị gia tăng của thủy sản xuất khẩu mới được nâng lên rất cao.
Thế Vinh
http://thoibaokinhdoanh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã