Tín hiệu từ thị trường Nông nghiệp
Gần đây, không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã bắt đầu “để mắt” tìm cơ hội và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn là do tín hiệu thị trường và họ đang đánh cược thực sự vào nông nghiệp, bằng tâm huyết và số tiền đầu tư rất lớn.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều này là do những năm gần đây, nhận thức về nông nghiệp và nông thôn đã bắt đầu thay đổi. Đầu tiên là vai trò của nông nghiệp ngày càng quan trọng trong bối cảnh tỉ lệ đói nghèo, tỉ lệ thiếu lương thực và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Hơn nữa, quan niệm về an ninh lương thực đã thay đổi rất nhiều. Người ta không nhìn an ninh lương thực chỉ là đủ lương thực mà còn là vấn đề tiếp cận được lương thực thực phẩm, vấn đề an toàn an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ dinh dưỡng….
Bên cạnh đó, trước đây, nông nghiệp bị đè nén, giá cả thấp và nhiều khi nông nghiệp phải chịu hy sinh để công nghiệp hóa. Đặc biệt, trước kia người ta nhìn nhận nông nghiệp là nơi đầu tư không sinh lời tốt như lĩnh vực khác. Những năm trước đây, tăng trưởng nông nghiệp chỉ 3-4% là cao, công nghiệp từ 7-8%, dịch vụ từ 9-10%. Như vậy, những người có tiền sẽ chỉ muốn đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn chứ không ai muốn đầu tư vào nông nghiệp.
Nhưng khoảng 7-8 năm gần đây, giá cả lương thực thực phẩm đã tăng mạnh. Điều này là do cách nhìn và đòi hỏi về sản phẩm nông nghiệp đã thay đổi. Người ta không chỉ nhìn sản phẩm nông nghiệp theo cách đơn thuần mà sản phẩm nông nghiệp đó liên quan tới rất nhiều nhân tố khác từ nghiên cứu triển khai, giống má, trồng, sơ chế, chế biến, phân phối ra thị trường… tức là có cả chuỗi giá trị của sản phẩm.
Ông Thành nhận định: “Với cái nhìn mới này, giá cả sản phẩm nông nghiệp phản ánh đúng hơn, giá trị gia tăng cao hơn, khả năng kiếm được lợi tốt hơn. Như vậy, sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gia tăng rất cao và đây cũng đang là mảnh đất mà doanh nghiệp có thể đầu tư và kiếm lời, không thua kém gì lĩnh vực khác và mang tính bền vững hơn”.
Hướng đầu tư vào chuỗi ngành hàng
Tổng đầu tư xã hội vào nông nghiệp tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm vào khoảng hơn 10% thì gần đây giảm xuống còn khoảng 5-6%. Đầu tư tư nhân vào nông nghiệp xoay quanh khoảng 4% tổng đầu tư tư nhân, còn FDI trong nông nghiệp giảm từ 2-3% trước đây xuống còn khoảng 1% tổng vốn FDI.
Con số này vẫn thể hiện dư âm của thời tăng trưởng nóng dựa vào vốn đầu tư nước ngoài, chứng khoán, bất động sản, ngành công nghiệp lớn. Sau khi có những cú lên xuống ảo của thị trường tài chính, bất động sản… thì nguồn vốn nay đã cẩn trọng hơn, nhà đầu tư lựa chọn kỹ càng hơn và nông nghiệp là một trong lĩnh vực mà nhiều “ông lớn” đang cân nhắc.
Điều này là do mục đích của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm nông nghiệp chủ yếu để phục vụ luôn thị trường trong nước như ngành thức ăn chăn nuôi. Hoặc, họ sẽ đầu tư vào sản xuất và chế biến thô, sau đó chuyển về nước họ hoặc mang sang các nước gần thị trường tiêu thụ để chế biến sâu hơn.
Ví dụ như một số nhà đầu tư bất động sản giờ chuyển hướng sang xây dựng chuỗi siêu thị. Đương nhiên, họ phải tính tới xây dựng thương hiệu cho siêu thị, mà thực phẩm tươi sống đóng vai trò quan trọng nhất trong thương hiệu của siêu thị. Đây chính là động cơ để nhà đầu tư đầu tư vào toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, từ cánh đồng đến bảo quản, chế biến, phân phối.
Theo TS Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng Hội NN&PTNT Việt Nam thì lĩnh vực nông nghiệp đã được hỗ trợ từ cú hích chính sách của Nhà nước như Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về Tái cơ cấu nông nghiệp; Quyết định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn; Nghị Quyết 14 của Chính phủ về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và liên kết với nông dân… Những chính sách hiện nay của Chính phủ đã có tác dụng nhất định để khích lệ tinh thần của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương bằng những việc làm rất cụ thể thì mới mong thu hút được doanh nghiệp.
Tại Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh rất tích cực làm marketing địa phương, nối kết và giới thiệu cho doanh nghiệp từng cơ hội đầu tư, tiếp cận đất đai và cùng họ xây dựng dự án đầu tư theo các chính sách ưu đãi của Chính phủ… Vì vậy, dù không phải là tỉnh có điều kiện thuận lợi về giao thông, hạ tầng nhưng đã có rất nhiều dự án nông nghiệp vào tỉnh này.
Bộ NN&PTNT vừa qua đã thành lập Nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hình thức liên kết công-tư với bốn nhiệm vụ chính: Tổ chức diễn đàn về chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cùng doanh nghiệp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách; cùng doanh nghiệp thiết kế những dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nông dân; cung cấp dịch vụ công để hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp như thông tin về chính sách, cơ sở dữ liệu cho đầu tư, chuyên gia của từng lĩnh vực… để tư vấn, phát triển dự án và thị trường.
Những biện pháp mạnh mẽ và thiết thực này đang kỳ vọng ngành nông nghiệp sẽ có diện mạo mới. Mỗi sản phẩm nông nghiệp sẽ có thương hiệu riêng và được xuất khẩu dưới dạng các mặt hàng đã qua chế biến sâu.
Đỗ Hương
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã