Nhiều khởi sắc
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, bức tranh kinh tế và những hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) khu vực ĐBSCL chuyển biến tích cực trong 9 tháng năm 2018. Khảo sát 62 DN trong khu vực cho thấy, hơn 87% DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long |
Ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng - cho biết, 9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng đạt 580 triệu USD, tăng 9,78% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, hàng thủy sản đạt 423 triệu USD (chiếm tỷ trọng 72,99%), nông sản 66 triệu USD (chủ yếu là gạo với kim ngạch 61 triệu USD). Để đạt được kết quả này, Sóc Trăng đã chú trọng thực hiện công tác xúc tiến thương mại, thông tin và vận động DN tham gia 14 hội chợ, tham dự Chương trình Kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (Đồng Nai); phối hợp Liên minh Hợp tác xã tổ chức 5 lượt hợp tác xã tham gia hội chợ Hợp tác xã Nông sản Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội...
Tương tự, 9 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt 600,43 triệu USD, tăng 3,29. Ông Võ Nguyên Nam - Giám đốc Sở Công Thương An Giang - đánh giá, hoạt động xuất khẩu của các DN An Giang giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là: Thủy sản, gạo, hàng may mặc và rau, quả đông lạnh. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 của An Giang đạt 840 triệu USD.
Duy trì xuất khẩu bền vững
Theo nhận định của DN, những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi hơn do hiện nay, DN đã có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu và sẽ được triển khai đại trà. Đây là điều kiện để các DN mở rộng quy mô sản xuất trong khu vực ĐBSCL, góp phần thúc đẩy kinh tế cả nước cùng phát triển.
Theo ông Võ Nguyên Nam, cùng với các hoạt động hỗ trợ DN ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, Sở Công Thương An Giang sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN kết nối, tìm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ và hội thảo, gắn kết giao thương trong và ngoài tỉnh, phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Đồng thời, phối hợp đơn vị liên quan triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh; xây dựng Đề án Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo; truy xuất nguồn gốc thịt heo..., từng bước nâng cao chất lượng và tạo uy tín thương hiệu cho nông sản địa phương, đáp ứng xu thế phát triển của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thậm - Phó giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang - khẳng định, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ DN nắm bắt kịp thời thông tin diễn biến thị trường; phổ biến rộng rãi nội dung của các hiệp định thương mại để DN nắm rõ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình chế biến, hạn chế các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của từng DN nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung.
Thanh Thanh - Mai Ca/https://congthuong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã