Điển hình trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương, phải kể đến Hội Nông dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên, bằng cách tuyên truyền, vận động phù hợp đã thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên. Ông Lò Văn Hiêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pom Lót, cho biết: Là xã lòng chảo, địa bàn rộng nhưng mặt bằng dân trí không đồng đều, nhất là một bộ phận không nhỏ hội viên nông dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các cấp, cho nên mấy năm trước việc triển khai phong trào xây dựng NTM trong nông dân hết sức khó khăn. Bởi cả một thời gian dài, nông dân Pom Lót nói riêng, nông dân huyện Điện Biên nói chung quen với suy nghĩ “cứ công trình, dự án là do Nhà nước đầu tư”: Về phía lãnh đạo Hội cũng gặp khó khăn khi triển khai tuyên truyền, vận động hội viên, vì thời gian đầu nhiều đồng chí không hiểu hết nội dung từng tiêu chí cũng như cách thực hiện sao cho phù hợp điều kiện địa bàn.
Hai năm trở lại đây, căn cứ nội dung từng tiêu chí, điều kiện chung của toàn thể hội viên nông dân xã Pom Lót, Hội Nông dân đã chủ động đăng ký với Đảng ủy, UBND xã đảm nhiệm ba tiêu chí: giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự địa bàn; nâng cao đời sống, thu nhập hội viên nông dân và phối hợp chính quyền hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn. Triển khai đến hội viên các tiêu chí đó, Hội Nông dân xã Pom Lót đồng thời triển khai cụ thể cách làm phù hợp điều kiện từng thôn, bản. Hiểu được nội dung từng tiêu chí, ý nghĩa lớn lao của chương trình xây dựng NTM, nhiều hội viên nông dân ở Pom Lót đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng đầu tư làm đường nội đồng và đường dân sinh, như hộ gia đình các ông: Hà Quang Hợp, Trần Văn Sương đã ủng hộ hơn 280 triệu đồng làm đường dân sinh thôn 3 và đường nội đồng, giúp hàng trăm gia đình thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp.
Đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường thôn mới hoàn thành hồi cuối năm 2017, ông Nguyễn Văn Thắng, hội viên Chi hội nông dân thôn 5, phấn khởi cho biết: Chiều dài tuyến đường gần 300 m, phục vụ hơn 100 gia đình trong thôn nhưng chỉ cần 30 gia đình ủng hộ đã đủ kinh phí làm đường. Quá trình vận động, Chi hội nông dân thôn 5 nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nông dân; người góp của người góp công, ai cũng đề nghị làm đường phải rộng thêm để nhân dân đi lại thuận tiện. Được biết, tại thôn 5 có nhiều đoạn đường đã được hoàn thành từ sự ủng hộ của nông dân, như: đường liên thôn, đường nội đồng; tổng kinh phí nông dân tự nguyện đóng góp lên đến gần hai tỷ đồng. Với người nông dân một nắng hai sương nơi núi rừng Tây Bắc này, đó là một con số không hề nhỏ và ý nghĩa hơn, đó còn là tấm lòng, nhiệt huyết của nông dân với chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Là huyện mới thành lập trong số 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, điều kiện của huyện Nậm Pồ khó khăn hơn rất nhiều. Với hơn 95% số hội viên nông dân làm nông nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn cho nên ngay từ khi thành lập, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã xác định, ưu tiên triển khai chương trình xây dựng NTM; lãnh đạo các cấp Hội Nông dân trong huyện tích cực về cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất mà hội viên nông dân thụ hưởng. Từ phân tích nội dung các dự án triển khai trên địa bàn, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ nhận thấy Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn ba…, có nhiều đề mục hỗ trợ sản xuất (cây, con giống) cho nông dân, cho nên hội đã xây dựng kế hoạch phối hợp phòng nông nghiệp, kinh tế, tài chính để triển khai chương trình.
Theo đó, với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân Nậm Pồ chủ động mở các lớp tập huấn hướng dẫn cho hơn 10 nghìn hội viên nông dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ở Nậm Pồ đạt nhiều kết quả tích cực, người dân có nguồn thu ổn định từ nông nghiệp, qua đó có điều kiện đóng góp trong chương trình xây dựng NTM.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ, đời sống nông dân nhiều xã được nâng lên rõ rệt; chương trình xây dựng NTM trên địa bàn các xã này về đích trước thời hạn. “Cuối năm 2017, xã Chà Nưa đã cơ bản đạt các tiêu chí xã NTM, nếu không có gì thay đổi thì năm nay (2018), Nậm Pồ sẽ hoàn thiện các thủ tục đề nghị công nhận xã NTM cho Chà Nưa. Điều này sẽ giúp nhân dân xã Chà Nưa nói riêng, nhân dân Nậm Pồ nói chung có thêm niềm tin, quyết tâm xây dựng NTM”, đồng chí Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết thêm về chặng đường phía trước trong hành trình thực hiện xây dựng NTM ở Nậm Pồ.
Đánh giá chung về kết quả tham gia chương trình xây dựng NTM của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lò Văn Hoàn cho biết: Tích cực ngay từ khi triển khai chương trình, đến cuối năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đã vận động hội viên nông dân đóng góp 40 nghìn ngày công xây dựng, tu sửa các công trình phúc lợi, làm mới, sửa chữa 51 km đường dân sinh; xây dựng và sửa chữa 5.200 m kênh mương nội đồng. Nông dân còn hiến 15.435 m2 đất xây dựng 116 mô hình vệ sinh môi trường nông thôn; giúp hộ nghèo sửa chữa và làm mới 99 nhà ở. Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp các ngành xây dựng bảy chuỗi liên kết sản phẩm trong nông nghiệp; giúp đỡ xây dựng một hợp tác xã dịch vụ tổng hợp thực hiện cánh đồng lớn với quy mô 30 ha tại xã Thanh Yên. Tổng nguồn lực Hội Nông dân tỉnh huy động các cấp, các ngành và nông dân đóng góp 56,8 tỷ đồng; giúp hàng nghìn nông dân từ nghèo khó vươn lên thành hộ có kinh tế khá và giàu, tích cực thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Tác giả bài viết: LÊ LAN
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã