Với nguồn lực đất rừng dồi dào, có nhiều cây thuốc bản địa giá trị, một số huyện miền núi hoàn toàn có khả năng làm giàu từ cây dược liệu. Ngoài cây sâm Ngọc Linh nổi tiếng trên đất Nam Trà My, rất nhiều loại cây dược liệu khác (đảng sâm, đương quy, ba kích, sa nhân, giảo cổ lam...) cũng chỉ biết đến ở... phạm vi cấp tỉnh. Từ sự nghịch lý của một địa phương đa dạng về cây thuốc đông y, nhưng lại nhập khẩu từ bên ngoài, giá trị cây dược liệu đem lại còn nhỏ bé so với cơ cấu cây trồng chung của toàn tỉnh, đã buộc nhà quản lý, cơ quan chức năng thay đổi tư duy phát triển và thu hút đầu tư hợp lý. Tại cuộc họp sơ kết 1 năm hợp tác phát triển giữa tỉnh Quảng Nam và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên vào cuối tháng 10 vừa qua đã mổ xẻ, đề xuất nhiều giải pháp “lột xác” cho cây dược liệu.
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại xã Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: T.H |
Chậm quy hoạch
Bất cập ở chỗ, thời điểm này Quảng Nam vẫn chưa điều tra, quy hoạch chi tiết các vùng phân bố dược liệu để bảo tồn và phát triển dược liệu quy mô hàng hóa. Cán bộ nông lâm phát triển cây trồng lại không am hiểu nhiều về dược tính, nhận dạng và phân loại cây dược liệu. Ở tầm quốc gia, lại thả nổi nguồn gốc xuất xứ thuốc đông y và nguyên liệu làm thuốc nên doanh nghiệp sản xuất thuốc/thực phẩm chức năng không gắn với vùng dược liệu. Theo số liệu, hơn 80% nguyên liệu và thuốc đông y phải nhập khẩu nhưng tiêu thụ dược liệu sản xuất trong nước vẫn bấp bênh, đã không kích thích phát triển cây dược liệu. Theo Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp (thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), cái yếu nhất là cây dược liệu có giá trị chủ yếu mọc tự nhiên là chính, chưa có tầm nhìn quy hoạch dài hơi. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nhân giống cây trồng được xem là giải pháp đột phá nhưng hiện nay rất khó khăn về giống dược liệu. Đề tài nghiên cứu khoa học cũng chỉ mới dừng lại trong ống nghiệm chứ chưa nhân rộng thực tiễn.
PGS-TS. Trần Thị Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp nhìn nhận: “Tình trạng trồng và khai thác dược liệu ở Quảng Nam cũng như cả nước còn tự phát, quy mô nhỏ nên sản lượng không ổn định, giá cả biến động. Dược liệu không sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể, vùng trồng một số nơi bị thu hẹp đáng kể”. Cùng chung quan điểm, Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức khẳng định, các địa phương miền núi có khoảng 500ha cây dược liệu (trong đó nhiều nhất là đảng sâm với 296ha, sâm Ngọc Linh là 68ha). Mặc dù địa phương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích trồng cây dược liệu nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả tương xứng so với tiềm năng. Một số loại dược liệu quý đứng trước nguy cơ cạn kiệt do sử dụng rừng và đất rừng không hợp lý. Trong khi đó, khai thác lại bừa bãi, thiếu nguồn giống chuẩn để ươm trồng. “Cây dược liệu mới hình thành theo quy mô nhỏ lẻ trong các nhóm hộ và thiếu những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Thêm vào đó, tỉnh chậm quy hoạch chi tiết các vùng phân bố cây dược liệu” - ông Đức nói.
Đến nay, một số nơi doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm như cây ba kích ở Tây Giang 48ha; cây đảng sâm 296ha tập trung tại một số xã của huyện Tây Giang và Nam Trà My; cây đương quy ở Nam Trà My 150ha... Theo các dược sĩ đông y, ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc - vốn là xứ sở của sâm cũng qua Việt Nam tìm cho được sâm Ngọc Linh để chữa bệnh. Việc khai thác, mua bán và sử dụng tràn lan cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch chậm đã khiến rừng nguyên sinh bị tàn phá kéo theo vùng trồng sâm tự nhiên của tỉnh dần cạn kiệt.
Xác định hướng đầu tư
Theo hợp tác đầu tư giữa Quảng Nam và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, phấn đấu đến 2025 sẽ đưa Quảng Nam trở thành vùng dược liệu lớn nhất vùng duyên hải Nam Trung Bộ gắn với chế biến sâu các loại dược liệu sạch có thương hiệu. Theo đó, ưu tiên 6 loại cây dược liệu sẵn có trong tự nhiên (gồm giảo cổ lam Nam Trà My; ba kích Tây Giang và Đông Giang; đảng sâm Tây Giang và Nam Trà My; sa nhân Phú Ninh, Phước Sơn, Nam Trà My; đương quy Nam Trà My và lan kim tuyến tập trung ở Phước Sơn, Nam Trà My). Xác định 2 khu vực đầu tư ở tiểu vùng núi cao với tổng diện tích trồng 133.156ha và tiểu vùng trung du rộng 31.805ha. Nêu giải pháp phát triển nguồn lực đất đai, PSG-TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: “Trước mắt rà soát thu hồi một số diện tích đã cấp cho các tổ chức không sử dụng đúng mục đích để cấp cho các hộ phát triển dược liệu thành vùng bảo tồn dược liệu của tỉnh. Sau đó, xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, di chuyển cơ sở sản xuất vào vùng bảo tồn để phát triển lâu dài, bền vững”.
Từ năm 2015, nhờ sự tư vấn kỹ thuật của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, ngành lâm nghiệp đã triển khai hình thức hỗ trợ giống keo tai tượng nhập từ Úc cho người dân 13 huyện trên địa bàn trồng hơn 310ha. Ngoài ra, xây dựng 5 mô hình trồng các loại cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao. Huyện Đông Giang phối hợp với Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) triển khai mô hình trồng 134ha cây mây dưới tán rừng thông qua dự án Carbi. Dự kiến cuối năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương sẽ trồng 250ha mây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn trồng 100ha. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư cơ sở vườn giống, rừng giống và các vườn cây lâm nghiệp. Xem xét cơ chế hỗ trợ sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ lớn theo hợp đồng để thúc đẩy trồng thâm canh rừng gỗ lớn. Mới đây, UBND tỉnh xây dựng đề án “Quy định về cho thuê đất rừng và mức giá cho thuê đất rừng để bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo tồn nguồn gien gốc sâm Ngọc Linh, đồng thời tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân miền núi. Sau khi có cơ chế ưu đãi đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp (gồm Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh; Công ty CP Hoa Thiên Phú; Công ty CP Nguyên liệu giấy miền Trung; Công ty Tân Nghĩa Sơn...) đăng ký thuê môi trường rừng để trồng, ươm giống sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu tại Nam Trà My với diện tích hơn 1.100ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, phải xây dựng cho được vườn giống gốc, nếu không có giống thì khó di thực và quy hoạch theo ý muốn. Mở rộng liên kết, liên doanh với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư phát triển dược liệu; thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) giải quyết đầu ra cho sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản xuất. Sắp đến, tỉnh sẽ lập quy hoạch tổng thể về phát triển cây dược liệu. Trước mắt, tập trung quy hoạch phát triển một số cây dược liệu có triển vọng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết hợp tác với các viện, trường đại học trong nước và quốc tế để ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực trong nhân giống, sản xuất và chế biến dược liệu.
Theo Báo Quảng Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã