Ngày 7/12, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2020. Mặc dù có nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn là một trong những điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,02%, đứng đầu toàn quốc. Năng suất lao động xã hội tăng 9,9%, đạt gần 110 triệu đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 2.900 USD.
Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tác động của dịch Covid-19, song đã từng bước hồi phục, nhất là trong những tháng cuối năm. Đổi lại, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nông nghiệp lại có sự bứt phá phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi nhanh và khá vững chắc, cả năm tăng 19,4% so với năm 2019. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,2%, đạt 266.040 tỷ đồng, bằng 96,7 % kế hoạch.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả nổi bật, toàn diện, khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,7% đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 9,8% kế hoạch. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp cao hơn bình quân chung cả nước đạt 120 triệu đồng, vượt 9,1% kế hoạch (bình quân cả nước 97 triệu đồng/ha).
Đóng góp vào mức tăng trưởng cao của lĩnh vực nông nghiệp là sự phục hồi đàn lợn và vụ vải thiều "bội thu" về giá trị. Năm 2020, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang đã phục hồi về 1 triệu con, tăng 61,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.830 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,3% so với năm 2019.
Trả lời câu hỏi của DANVIET.VN về việc kết nối tiêu thụ, đưa nông sản trên địa bàn tỉnh đến 100 triệu dân trong nước và xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết, trong những năm qua, về đạo sản xuất các loại cây trồng, nhất là các cây trồng chủ lực, tỉnh Bắc Giang đã làm rất tốt các công việc từ vùng sản xuất, điều kiện sản xuất an toàn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
"Đặc biệt, năm 2020 tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo tốt để xúc tiến và tiêu thụ vải thiều xuất sang Nhật Bản. Đây là cố gắng lớn của ngành cũng như có sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, Bộ KHCN và các huyện lựa chọn vùng trồng vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản" - ông Dĩnh nói.
Với kinh nghiệm tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều, ông Dĩnh cho rằng, trong thời gian tới, Sở NNPTNT Bắc Giang tiếp tục phối hợp tốt với Sở Công thương chủ trì xúc tiến, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi...
Đến 31/12/2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 67,4%, đạt 100% kế hoạch. Đến nay, có thêm huyện Tân Yên được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá, trong những năm qua, kinh tế Bắc Giang đang có sự phát triển đi lên.
"Năm nay tuy không đạt tốc độ tăng trưởng 17% như đã đề ra, nhưng tốc độ tăng trưởng cả năm của tỉnh Bắc Giang vẫn đứng đầu toàn quốc, ước đạt 13,02%" - ông Dương nói.
Theo ông Dương, dấu ấn nổi bật trong năm 2020 của tỉnh Bắc Giang là công tác phòng chống dịch Covid-19, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như hỗ trợ các nhà máy tái khởi động, duy trì sản xuất, không bị đứt gẫy hay gián đoạn.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19, quả vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu thành công sang Nhật Bản. Đây là điều chứng tỏ chúng ta đã chiến thắng đại dịch Covid-19, mở đường cho quả vải thiều và nông sản của Việt Nam ra thế giới" - ông Dương khẳng định.
Về thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Giang hiện đang đứng thứ 8 toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến 30/11, toàn tỉnh đã thu hút được gần 1,25 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập mới 2 khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ với tổng diện tích 1.395ha.
Trong năm 2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Giang có sự chuyển dịch từ lĩnh vực dịch vụ sang các lĩnh vực khác. Tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 2,2% lên 58,3%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,2% lên 17,5%; dịch vụ giảm 3,2% xuống còn 24,2%.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã