Song song với việc nâng cao năng suất, chất lượng cây quýt, những năm gần đây, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn còn phát triển những mô hình trồng quýt gắn với du lịch. Một trong những mô hình trồng quýt gắn với dịch vụ trải nghiệm nổi tiếng tại xã Hữu Liên là mô hình của của gia đình ông Hoàng Văn Hoành.
Ông Hoành cho biết, gia đình ông đã cho du khách vào tham quan, hái và thưởng thức quýt ngay tại vườn từ cách đây 2 năm.
"Hữu Liên có nhiều cảnh đẹp, có làng du lịch cộng đồng, văn hóa ẩm thực độc đáo nên hằng năm thu hút hàng nghìn du khách tham quan, trải nghiệm. Nhân cơ hội này, gia đình tôi cũng mở cửa đón du khách đến thăm và thưởng thức quýt ngay tại vườn quýt của gia đình", ông Hoành cho biết.
Theo ông Hoành, vườn quýt của gia đình ông đã được trồng cách đây 15 năm. Quýt trồng trên núi đá nên có vị ngọt thanh, thơm, mang hương vị của núi rừng.
"Hiện vườn quýt hơn 500 cây của gia đình tôi đang cho khách vào tham quan, trải nghiệm. Vé vào cửa hiện là 10.000 đồng/người, du khách được trải nghiệm và thưởng thức quýt ngay tại vườn. Nếu khách hái mang về, vườn sẽ cân với giá 10.000, 15.000, 20.000 đồng/kg tùy loại to nhỏ", ông Hoành nói.
Bà Hoàng Thị Phảy (vợ ông Hoành) cho biết, hai ông bà là người dân tộc Dao, năm nay đều đã ngoài 60 tuổi. Hàng ngày, hai ông bà đều hỗ trợ con cháu chăm vườn quýt của gia đình để đón du khách. Nhiều du khách rất thích thú khi đến đây tham quan, trải nghiệm hái và thưởng thức quýt nơi đây.
"Khách chủ yếu là nhóm bạn trẻ, nhóm gia đình... đến từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, và các nhóm khách du lịch người nước ngoài. Những ngày cuối tuần, khách về đây rất đông, có ngày vườn quýt đón tiếp 30 - 40 người đến tham quan", bà Phảy chia sẻ.
Dẫn chúng tôi thăm vườn quýt của gia đình, ông Hoành cho biết, từ đầu mùa đến giờ, gia đình ông đã thu hoạch được hơn 4 - 5 tấn quýt. Khách hàng chủ yếu là khách du lịch mua làm quà, ngoài ra còn phục vụ đám cưới, đám hỏi và bán ngoài chợ với giá giao động 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại to nhỏ.
"Hiện tại trong vườn còn lại khoảng 2- 3 tấn quýt chín vàng phục vụ du khách hái và trải nghiệm. Khoảng 10-15 ngày tới, quýt sẽ chín vàng đều đẹp mắt và vị ngọt đậm hơn", ông Hoành nói.
Phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương đã và đang mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa.
Trước khi có hoạt động du lịch cộng đồng tại các địa phương như Quỳnh Sơn, Vũ Lăng, Hữu Liên, Mông Ân của tỉnh Lạng Sơn, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, tạo nhiều hướng đi mới cho bà con, giúp bà con được hưởng lợi. Đây là hướng đi mới tích cực, động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Đồng thời, du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương theo hướng bền vững...
Theo Tuấn Minh/danviet.vn
https://etime.danviet.vn/mo-hinh-trong-quyt-gan-voi-du-lich-hai-ra-tien-20201201092907609.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã